Kết quả cơ cấu lại kinh tế tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020

KẾT QUẢ CƠ CẤU LẠI KINH TẾ TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2016-2020

Trong 05 năm qua, nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và đạt được những kết quả thiết thực. Các quy định về đầu tư công từng bước được hoàn thiện; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 1,5 lần; đa dạng hóa các hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng, chú trọng xã hội hóa trên một số lĩnh vực như: Giao thông, y tế, giáo dục, ... Hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đúng quy định. Tái cơ cấu các ngành kinh tế được đẩy mạnh. Mô hình tăng trưởng từng bước đổi mới, năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn có sự chuyển biến tích cực; tăng trưởng GRDP cao. Công tác xúc tiến đầu tư đạt kết quả khá. Hoạt động khởi nghiệp có chuyển biến. Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng nhanh, thương mại - dịch vụ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng; năng lực, sức cạnh tranh nền kinh tế được nâng lên. Cụ thể như sau:

1. Tình hình phát triển kinh tế xã hội tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020

a. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh

GRDP bình quân 05 năm tăng 12,04%([1]), vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (Nghị quyết tăng từ 11 - 12%), các khu vực đều tăng trưởng theo hướng tích cực: Khu vực I tăng 1,6%, khu vực II tăng 34,51%, khu vực III tăng 8,59%([2]), dự kiến GRDP bình quân đầu người ước đạt 65 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2020([3]).

b. Cơ cấu nền kinh tế

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng: Giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản còn 29,41% (năm 2015 là 45,92%); tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ lên 70,59% trong GRDP([4])(năm 2015 là 54,08%). Hoạt động của nền kinh tế hướng vào các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, chú trọng sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao.

c. Biến động về thành phần kinh tế

Trong 05 năm qua, trên địa bàn tỉnh duy trì 05 thành phần kinh tế gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, kinh tế Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt nền kinh tế với quy mô năm 2019 là 18.640 tỷ đồng, gấp 3,18 lần so với năm 2015, tỷ trọng trong tổng sản phẩm trên địa bàn tăng từ 16,56% năm 2015 lên 31,26% vào năm 2019. Kinh tế tư nhân được tạo điều kiện phát triển vượt bật với quy mô năm 2019 là 6.071 tỷ đồng, gấp 2,27 lần năm 2015, tỷ trọng tăng từ 7,53% lên 10,18% vào năm 2019. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào tỉnh được ban hành; các hoạt động khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo được triển khai, bước đầu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong toàn tỉnh; sự hỗ trợ của Dự án Thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, tỉnh Trà Vinh (AMD Trà Vinh) và Dự án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Trà Vinh (SME Trà Vinh) đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cho doanh nghiệp tư nhân, phát triển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

d. Biến động về lực lượng lao động

Quy mô lực lượng lao động tỉnh Trà Vinh có xu hướng giảm trong giai đoạn 2016-2019 (theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2019 do Cục Thống kê tỉnh công bố) từ 579.952 người năm 2015 giảm còn 563.743 người vào năm 2019; trong đó, khu vực thành thị tăng bình quân 2,03%/năm, khu vực nông thôn giảm 1,23%/năm. Nguyên nhân của hiện trạng trên là do trong những năm qua, tỷ lệ cơ giới hóa, hiện đại hóa trong sản xuất nông nghiệp được nâng cao, lao động nông thôn di cư đến các đô thị và nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Cơ cấu lao động([5]) theo vùng có sự dịch chuyển chậm từ nông thôn sang thành thị và từ khu vực nông, lâm, thủy sản (khu vực 1), dịch vụ (khu vực 3) sang khu vực công nghiệp, xây dựng (khu vực 2).

Chất lượng lao động từng bước được nâng lên; mạng lưới giáo dục nghề nghiệp và các thiết bị dạy nghề được đầu tư; chương trình, nội dung đào tạo được cập nhật, đổi mới phù hợp nhu cầu của thị trường; các chính sách hỗ trợ, đào tạo người lao động đạt được nhiều kết quả([6]), tỷ lệ lao động qua đào tạo 45% năm 2015 tăng lên 65,5% vào năm 2020, trong đó tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ đạt 33%, kéo giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 2,4%. Thực hiện có hiệu quả việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài([7]). Năng suất lao động bình quân đạt 61 triệu đồng/người/năm 2015 tăng lên 117 triệu đồng/người/năm 2020.

e. Hội nhập kinh tế quốc tế

Hoạt động đối ngoại được tăng cường, thiết lập quan hệ với trên 30 tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) và các tổ chức quốc tế. Huy động nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu([8]). Tranh thủ bộ, ngành Trung ương hỗ trợ nguồn vốn ngân sách đối ứng vốn ODA([9]). Kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh([10]), nhiều mặt hàng có thị trường tiêu thụ ổn định([11]).

f. Tác động của đại dịch Covid-19

Tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trong những tháng đầu năm 2020 ở Việt Nam và hiện nay vẫn còn tiếp diễn trên thế giới (trong đó có nhiều quốc gia có quan hệ thương mại với Việt Nam) đã tác động hầu hết các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, sản xuất, giao thương của doanh nghiệp, người dân; các hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, lưu trú, ăn uống, du lịch, lễ hội, giáo dục,… tạm dừng hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng thu ngân sách; tỉnh phấn đấu thu ngân sách trên địa bàn tỉnh cả năm 2020 đạt 5.000 tỷ đồng (đạt 104,2% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 100% dự toán HĐND tỉnh giao).

Khả năng thu hẹp sản xuất trước những tác động của dịch bệnh Covid-19 trong ngắn hạn là rất lớn, dẫn đến tình trạng mất việc tạm thời của người lao động, việc tiêu thụ hàng hóa bị đình trệ và cản trở tái sản xuất. Đối với lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ chủ yếu sống nhờ lương, việc các công ty sản xuất cầm chừng và cho luân phiên nghỉ chờ việc hoặc các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các cửa hàng kinh doanh cho nhân viên nghỉ không hưởng lương, việc tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết, cách ly xã hội trong 15 ngày... đã gây khó khăn cho đời sống, sinh hoạt của người dân. Cao điểm, có 26 doanh nghiệp, 18.641 lao động bị ảnh hưởng([12]), trong đó 1.370 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, 16.264 lao động bị ngưng việc, 1.007 lao động việc làm không ổn định (không có hợp đồng lao động); có 7.013 người bán lẻ vé số dạo cần được hỗ trợ… Từ cuối tháng 4/2020, các doanh nghiệp hoạt động trở lại bình thường.

Trước tình hình trên, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền công khai, minh bạch, khách quan và xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai sự thật([13]) về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy; đến ngày 10/6/2020 đã thực hiện 629 tin, 204 bài, tổng thời lượng 4.924 phút trên sóng phát thanh - truyền hình và cổng thông tin điện tử. Thực hiện tốt kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn tiếp nhận, vận chuyển công dân Việt Nam từ các quốc gia khác có dịch về Việt Nam và thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế; thành lập 04 chốt kiểm tra y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại các cửa ngõ dẫn vào Trà Vinh([14]); 03 trường hợp mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Trà Vinh đã được điều trị khỏi; đến nay tổng số trường hợp đã thực hiện cách ly trên toàn tỉnh là 491 trường hợp([15]), đã hoàn thành cách ly 468 trường hợp, còn 23 trường đang cách ly.

Kịp thời thực hiện đầy đủ, đúng quy định chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ, trong đó:

- Đối với 04 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và hộ cận nghèo, đã chi trả 138.407/138.931 đối tượng, đạt tỷ lệ 99,62%, tổng kinh phí hỗ trợ 132.866.550.000 đồng

- Đối với các nhóm đối tượng là người lao động và chủ sử dụng lao động theo Quyết định số 15/QĐ-TTg: trên 10.000 trường hợp đăng ký hỗ trợ, tỉnh đang xem xét phê duyệt 1.400 hồ sơ, đồng thời tiếp tục tổng hợp, xét duyệt để chi trả hỗ trợ.

- Vận động an sinh xã hội “Toàn dân tham gia ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 và ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn”, Ban Vận động tỉnh đã tiếp nhận nguồn kinh phí ủng hộ từ 575 tổ chức, cá nhân số tiền trên 8,2 tỷ đồng và hiện vật trị giá trên 01 tỷ đồng. Đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã phân bổ kinh phí hỗ trợ đợt 01 cho các đối tượng bị ảnh hưởng, số tiền trên 07 tỷ đồng.

- Hỗ trợ 7.013 người bán lẻ vé số bị ảnh hưởng do dừng phát hành vé số 15 ngày kể từ ngày 01/4/2020, số tiền 6,311 tỷ đồng.

- Hỗ trợ giảm tiền điện cho 176.947 khách hàng sử dụng điện, số tiền 16,76 tỷ đồng trong kỳ hóa đơn tháng 4 và tháng 5/2020.

2. Về thu hút, huy động nguồn lực, tái cơ cấu đầu tư và cách thức xây dựng, triển khai kế hoạch đầu tư công (số liệu tuyệt đối, tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng,…)

a. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (2016-2020)

Vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua ước đạt 118.100 tỷ đồng, gấp 1,45 lần giai đoạn trước, chiếm 48% GRDP; bình quân hàng năm tăng 5,44%. Trong đó, khu vực Nhà nước ước đạt 55.000 tỷ đồng, chiếm 46,57%; khu vực ngoài nhà nước 37.000 tỷ đồng, chiếm 31,32%; khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài 26.100 tỷ đồng, chiếm 22,11%.

b. Cơ cấu đầu tư theo thành phần kinh tế

Cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tích cực với tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực ngoài nhà nước tăng mạnh từ 14,02% năm 2015 lên 36,80% vào năm 2020 và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 5,84% lên 34,00%; khu vực nhà nước giảm mạnh tỷ trọng từ 80,14% xuống còn 29,20% vào năm 2020.

c. Cơ cấu đầu tư theo ngành kinh tế

Vốn đầu tư giai đoạn 2016-2020 khu vực nông, lâm, thủy sản ước đạt 3.700 tỷ đồng, chiếm 3,13% tổng vốn đầu tư, bình quân hàng năm tăng 14,26%; trong đó, năm 2017 được đầu tư mạnh 1.069 tỷ đồng để khắc phục hậu quả do tác động của hạn mặn năm 2016 và thích ứng BĐKH. Khu vực công nghiệp và xây dựng được đầu tư 72.689 tỷ đồng, chiếm 61,55% tổng vốn đầu tư, tăng bình quân 4,94%/năm. Khu vực dịch vụ 41.712 tỷ đồng, chiếm 35,32% tổng nguồn vốn, tăng bình quân 5,62%/năm.

Cơ cấu vốn đầu tư có sự dịch chuyển giữa các ngành kinh tế; tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nông, lâm, thủy sản tăng từ 0,85% lên 3%, chiếm khá thấp so với các khu vực còn lại, chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước; khu vực công nghiệp và xây dựng giảm từ 71,17% vào năm 2015 xuống còn 63% vào năm 2020 do năm 2015, tỉnh tập trung vốn xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3. Khu vực dịch vụ tăng từ 27,98% năm 2015 lên 34% vào năm 2020.

d. Các dự án lớn, quan trọng đã, đang và sẽ triển khai

* Các dự án công nghiệp

- Các dự án điện gió, điện mặt trời:

+ Dự án Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh: với tổng công suất 165 MWp (140 MW), vận hành thương mại 28/6/2019, dự kiến mỗi năm phát điện 250 triệu kwh được đấu nối vào ngăn lộ 275 trạm 220/500kV Duyên Hải truyền tải trên đường dây 220kV Duyên Hải- Trà Vinh và đường dây 220kV Duyên Hải - Mỏ Cày.

+ 05 Dự án Nhà máy điện gió đã cấp giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng công suất 270 MW, gồm: (1) Nhà máy Điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh tại V1-1: 48 MW; (2) Nhà máy điện gió V1-2 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thành Trà Vinh: 48 MW; (3) Nhà Máy điện gió V1-3 tại vị trí V1-3 của Công ty Cơ điện lạnh: 48 MW; (4) Nhà máy điện gió Duyên Hải tại vị trí V1-4 với công suất 48 MW của Công ty TNHH Điện gió Duyên Hải; (5) Nhà máy điện gió Hiệp Thạnh tại vị trí V1-5 và V1-6 với công suất 78 MW của Công ty Cổ phần năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh.

- Các dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Có 14 dự án đầu tư nước ngoài và 29 dự án đầu tư trong nước.

* Các dự án thương mại

- Dự án Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Trà Vinh; địa điểm: Khóm 3, Phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh; Quy mô đầu tư: Diện tích đất: 6.869,6m2, vốn đầu tư trên 244,3 tỷ đồng. Thời gian đưa vào hoạt động: 29/4/2017.

- Dự án Siêu thị Coopmar Tiểu Cần (Siêu thị hạng II); Địa điểm thực hiện: Đường Võ Thị Sáu, thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; Quy mô đầu tư: Diện tích đất 6.060,1 m2; Vốn đầu tư: 100 tỷ đồng; Thời gian thực hiện dự án: 50 năm; Tiến độ thực hiện dự án: Hoàn thành trong năm 2018. Hoạt động vào 27/12/2018.

- Dự án Siêu thị Coopmar Duyên Hải (Siêu thị hạng II); Địa điểm thực hiện: Đường Lý Thường Kiệt, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; Quy mô đầu tư: Diện tích đất 9.362,7 m2; Vốn đầu tư: 70 tỷ đồng; Thời gian thực hiện dự án: 50 năm; Tiến độ thực hiện dự án: Hoàn thành trong năm 2018. Dự án đưa vào hoạt động vào 19/10/2018.

- Dự án Trung tâm thương mại và siêu thị bán lẻ Trà Vinh (Go Trà Vinh) (TTTM hạng III); Địa điểm thực hiện: Đường Võ Nguyên Giáp, Phường 7, Thành phố Trà Vinh, Tỉnh Trà Vinh; Quy mô đầu tư: Diện tích đất 24.000 m2; Vốn đầu tư: 250 tỷ đồng; Thời gian thực hiện dự án: 50 năm; Tiến độ thực hiện dự án: Hoàn thành trong năm 2019. Dự án đưa vào hoạt động vào ngày 26/2/2020.

* Các dự án giao thông

- Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu: Dự án được điều chỉnh tại Quyết định số 2368/QĐ-BGTVT ngày 09/8/2013 của Bộ trưởng Bộ GTVT với tổng mức đầu tư là 9.781,2 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành giai đoạn 1 với các hạng mục: Luồng chạy tàu dài 46,5km; đê chắn sóng phía nam dài 2,4km; kè bảo vệ bờ dọc hai bên kênh Tắt, bến phà 60T, nhà trạm quản lý luồng; hệ thống phao tiêu báo hiệu luồng.

- Bến cảng Trà Cú là bến cảng tổng hợp cho tàu trọng tải từ 10.000 tấn đến 20.000 tấn giảm tải. Vị trí xây dựng tại ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú. Quy mô xây dựng gồm: 01 cầu bến, chiều dài bến 180m, diện tích đất 16,8 ha với tổng mức đầu tư 588.089 triệu đồng (thời điểm năm 2009) hiện đang được Công ty TNHH xây dựng Hàm Giang đầu tư xây dựng. Theo báo cáo của Chủ đầu tư thì tiến độ đạt khoảng 60%, tổng giá trị thực hiện ước khoảng 550 tỷ đồng.

- Bến cảng Định An là bến cảng tổng hợp, container cho tàu trọng tải từ 30.000 tấn đến 50.000 tấn; lâu dài sẽ phát triển thành bến chính của cảng với vai trò xuất nhập khẩu hàng hóa cho toàn vùng. Vị trí xây dựng thuộc xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải. Phía Bắc giáp Trung tâm điện lực Duyên Hải; phía Đông giáp với Tuyến luồng vào Trung tâm điện lực Duyên Hải; phía Nam giáp với kênh đào Trà Vinh; phía Tây giáp với đê Hải Thành Hòa. Dự án đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Nhà đầu tư (Công ty TNHH xây dựng Hàm Giang) và đang được đầu tư xây dựng (khởi công ngày 04/7/2019 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2020 xong bến số 1).

- Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 53 đoạn Trà Vinh - Long Toàn (Km67 - Km114): Dự án đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 3046/QĐ-BGTVT ngày 20/10/2009 và dự án được điều chỉnh tại Quyết định số 2818/QĐ-BGTVT ngày 26/12/2018 với chiều dài 43,88km quy mô đường cấp III đồng bằng, xây dựng mới 02 cầu và mở rộng 05 cầu cũ, tổng mức đầu tư 1.201,25 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông vận tải là đại diện Chủ đầu tư, nguồn vốn đã được Trung ương phân bổ cho Bộ GTVT 800 tỷ để thực hiện. Hiện nay Ban Quản lý dự án 7 - Bộ Giao thông vận tải đã bàn giao mặt bằng và triển khai thi công 05/06 gói thầu.

- Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si: Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án Thăng Long lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 53 đoạn Long Hồ - Ba Si trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1923/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2019. Hiện đang thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

- Dự án Xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 53 qua thành phố Trà Vinh: Bộ GTVT đã giao Ban Quản lý dự án 7 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 53 qua thành phố Trà Vinh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1901/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2019. Hiện đang thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

- Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 54 đoạn Tập Sơn - Trà Vinh: Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án 7 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 54 qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh (trong đó có đoạn Tập Sơn - Trà Vinh) trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tại Quyết định số 1901/QĐ-BGTVT ngày 11/10/2019. Hiện đang thẩm định và trình phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án.

- Hoàn thành nâng cấp sửa chữa Quốc lộ 60 đoạn từ đường vào cầu Cổ Chiên đến ngã ba Bình Phú với chiều dài 5,3km, quy mô đường cấp IV, kinh phí thực hiện 27 tỷ đồng.

- Nâng cấp Quốc lộ 60 đoạn Trà Vinh - Sóc Trăng: Theo Công văn số 10826/VPCP-QHĐP ngày 26/11/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu, đề xuất bố trí nguồn vốn báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Dự án cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng (điểm đầu giáp QL54 thuộc địa bàn xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, điểm cuối tuyến giao với đường nam sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng): Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tại Quyết định số 1478/QĐ-TTg ngày 28/10/2019, theo đó quy mô cầu 04 làn xe, mặt cầu rộng 17,5m, tải trọng HL93; phần đường dẫn dài 15,2km giai đoạn 1 đầu tư nền rộng 12m, phần xe chạy 7m; tổng mức đầu tư 8.040,6 tỷ đồng, trong đó phần vốn vay ODA là 7.054,6 tỷ đồng, phần vốn ngân sách đối ứng 986 tỷ đồng. Theo kế hoạch giai đoạn 2018 - 2021 thời gian chuẩn bị dự án, thời gian thực hiện dự án 05 năm kể từ khi Hiệp định vay đối với Dự án có hiệu lực. Bộ GTVT đã giao Ban QLDA 7 làm chủ đầu tư bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tại Quyết định số 1100/QĐ-BGTVT ngày 04/6/2020.

- Đầu tư xây dựng Đường tỉnh 915B (giai đoạn 2): Thực hiện Công văn số 8472/BKHĐT-TH ngày 13/11/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phân bổ Kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2020. Sở GTVT đã trình UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư tại Quyết định số 330/QĐ-UBND ngày 24/02/2020, hiện đang lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án

e. Cách thức và quy trình xây dựng kế hoạch đầu tư công, cách thức lựa chọn dự án đầu tư cụ thể trong kế hoạch đầu tư công và cách thức triển khai, giám sát thực hiện đầu tư công nói chung và từng dự án đầu tư công cụ thể nói riêng.

Triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 tuân thủ đúng các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, các văn bản hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; việc bố trí vốn đầu tư theo thứ tự ưu tiên: thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi các khoản ứng trước, đối ứng các dự án ODA, bố trí đối ứng các dự án PPP, các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020 và các dự án khởi công mới. Việc bố trí kế hoạch vốn đảm bảo thực hiện tiết kiệm đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ.

- Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020: Điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đến hết năm 2019 là 3.489,484 tỷ đồng của 132 dự án và chương trình; Điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đến hết năm 2019: 6.479,249 tỷ đồng cho 255 dự án và chương trình.

- Thực hiện điều chỉnh giảm kế hoạch hằng năm giai đoạn 2016-2019 là 854,95 tỷ đồng của 119 dự án và chương trình; điều chỉnh tăng cho 186 dự án và chương trình.

- Tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2019 và dự kiến năm 2020: Tổng kế hoạch vốn là 18.088,97 tỷ đồng, giải ngân: 14.205,556 tỷ đồng, đạt 78,53% kế hoạch, cụ thể:

+ Kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm giai đoạn 2016-2019 là 14.269,332 tỷ đồng, giải ngân: 10.729,685 tỷ đồng, đạt 75,19% kế hoạch.

+ Kế hoạch vốn năm 2020 là 3.819,638 tỷ đồng, dự kiến giải ngân là 3.819,638 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.

- Tình hình thực hiện dự án đầu tư theo hình thức PPP:

+ HĐND tỉnh thông qua danh mục dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại Nghị quyết số 22/NQ-HĐND ngày 8/12/2016, Nghị quyết số 60/NQ-HĐND ngày0 8/12/2017, Nghị quyết số 119/NQ-HDDND ngày 12/4/2019; Nghị quyết số 132/NQ-HĐND ngày 12/7/2019. Có 60 dự án với tổng vốn đầu tư: 11.529,042 tỷ đồng (trong đó có 01 dự án đang triển khai); có 06 dự án có nhà đầu tư quan tâm với tổng vốn đầu tư 1.066 tỷ đồng; các dự án chưa có nhà đầu tư quan tâm và rà soát chuyển đổi hình thức đầu tư là 47 dự án với tổng vốn đầu tư là 9.301,127 tỷ đồng.

+ Áp dụng cơ chế khai thác quỹ đất tạo vốn phát triển kết cấu hạ tầng (theo Nghị định số 33/2019/NĐ-CP ngày 23/4/2019 của Chính phủ): 01 dự án với tổng vốn đầu tư: 212,987 tỷ đồng

f. Tình hình đô thị hóa gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa và ngược lại

Trong 05 năm qua, quá trình đô thị hóa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh diễn ra nhanh chóng với việc phát triển thêm 01 đơn vị hành chính là thị xã Duyên Hải trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính huyện Trà Cú và huyện Duyên Hải (theo Nghị quyết 934/NQ-UBTVQH13 ngày 15/5/2015) và việc nâng loại đô thị thành phố Trà Vinh từ đô thị loại III lên đô thị loại II (tại Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 05/02/2016). Cùng với sự phát triển của Trung tâm Điện lực Duyên Hải (nằm trong Khu Kinh tế Định An, thuộc thị xã Duyên Hải), quá trình đô thị hóa của thị xã Duyên Hải phát triển vượt bật, đóng góp lớn vào quá trình đô thị hóa của cả tỉnh. Dân số đô thị năm 2015 là 183.303 người tăng lên 247.143 người vào năm 2019; theo đó, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 17,71% lên 24,49%. Nguyên nhân do tăng dân số cơ học như: số lượng học sinh, sinh viên học tập ở trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề, trường dân tộc nội trú,… số lượng cư dân vào làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các nhà xưởng, xí nghiệp và các ngành nghề kinh doanh, dịch vụ tại đô thị.

Đến nay, tỉnh Trà Vinh có 09 đơn vị hành chính, trong đó có 12 đô thị gồm:

- Thành phố Trà Vinh được công nhận đô thị loại II năm 2016, là thành phố xanh, sạch, đẹp; được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn thí điểm thực hiện phát triển đô thị tăng trưởng xanh (tại Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ). Triển khai thực hiện Dự án nâng cấp đô thị khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long – Tiểu dự án Thành phố Trà Vinh và Dự án thoát nước, xử lý nước thải thành phố Trà Vinh đã góp phần nâng cao chất lượng đô thị, cảnh quang và hình ảnh của tỉnh Trà Vinh.

- Thị xã Duyên Hải được công nhận đô thị loại IV năm 2015. Hiện nay, Thị xã đang tập trung triển khai các biện pháp, giải pháp để hoàn thiện các tiêu chí đô thị theo Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13, làm động lực nâng loại đô thị từ loại IV lên loại III sau năm 2020.

- 10 thị trấn là đô thị loại V (Càng Long, Cầu Kè, Châu Thành, Tiểu Cần, Cầu Quan, Trà Cú, Định An, Cầu Ngang, Mỹ Long, Long Thành), trong đó Tiểu Cần theo định hướng lên đô thị loại IV. Đô thị Tiểu Cần có vị trí địa lý nằm trên trục Quốc lộ 54 và Quốc lộ 60, là cửa ngõ giao thương giữa tỉnh Trà Vinh và các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau thông qua cầu Đại Ngãi; đồng thời là đô thị trung tâm của cụm đô thị Tây Nam tỉnh Trà Vinh. Mặt khác, qua rà soát 05 tiêu chí về phân loại đô thị loại IV theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 thì đa phần các tiêu chuẩn của 05 tiêu chí đều đạt theo quy định.

3. Về cơ cấu lại ngành kinh tế

3.1. Kết quả cơ cấu lại khu vực nông nghiệp và chuyển dịch đất đai trong sản xuất nông nghiệp

a) Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp: Thời gian qua, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quan tâm đầu tư, phát triển cả về quy mô và chất lượng. Đến năm cuối 2019 toàn tỉnh có 16.686 ha diện tích sản xuất ứng dụng công nghệ cao([16]), chiếm 4,5% diện tích sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho người sản xuất, tạo được một bước đột phá trong quá trình thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

b) Chuyển đổi, cơ cấu lại nội ngành nông nghiệp

Trong lĩnh vực trồng trọt: Từ năm 2016 đến nay, đã chuyển đổi 12.428,58 ha đất lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản[17], thu nhập trên đơn vị diện tích tăng từ 1,5 đến 3 lần so với chuyên trồng lúa; cải tạo và trồng mới gần 7.500 ha cây ăn trái và cây dừa, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất từ 2 - 3 lần. 

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh từ 9.280 ha năm 2015 tăng lên khoảng 10.500 ha; trong đó, có khoảng 450 ha nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao, năng suất bình quân từ 50 - 70 tấn/ha, hiệu quả tăng từ 3 – 5 lần so với trước khí chuyển đổi.

3.2. Kết quả cơ cấu lại khu vực công nghiệp và dịch vụ (có tính đến tác động của đại dịch Covid-19)

Ngành công nghiệp tỉnh Trà Vinh trong thời gian qua có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, giá trị tổng sản phẩm ngành bình quân tăng 38,33%/năm, đóng góp lớn vào tăng trưởng chung của cả tỉnh. Ước đến cuối năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp trong GRDP chiếm 29,64% (năm 2015 chiếm 11,08%). Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và nhóm ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện (chủ yếu sản xuất điện) là 02 nhóm ngành chính của tỉnh, trong đó, giá trị sản xuất ngành điện chiếm trên 50% giá trị sản xuất ngành công nghiệp. Một số ngành chế tạo mới hình thành hoặc có doanh nghiệp lớn đầu tư (túi xách các loại, bộ tuyền dẫn điện dùng trong ô tô, giày da và bộ phận của giày da, quần áo,…) đã khẳng định được vị thế, tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu. Ngành công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, thủy sản phát triển chậm hơn các nhóm ngành trên do nguồn nguyên liệu thiếu ổn định, chịu nhiều tác động của BĐKH, thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản phẩm của Tập đoàn Mỹ Lan (hóa chất, các sản phẩm hóa chất, phân bón thông minh, hệ thống quan trắc thông minh,...), hiện nay khẳng định được tính hiệu quả, dần chiếm lĩnh thị trường, có nhiều tiềm năng phát triển, hướng đến phát triển công nghiệp 4.0.

Cơ cấu các ngành dịch vụ, đưa vào hoạt động hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, nâng cấp, cải tạo gắn với chuyển đổi mô hình quản lý chợ([18]); đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; phát triển thương mại điện tử, duy trì và phát huy hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng không ngừng phát triển, chất lượng tín dụng tăng lên, tính đến tháng 6/2020, tỷ lệ nợ xấu giảm còn 1,23% (mức giới hạn theo quy định là 2%); tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm đạt 14,3%. Tăng trưởng của toàn ngành dịch vụ bình quân 8,59%/năm. Hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực, đầu tư xây dựng một số khu, điểm du lịch có tiềm năng, lợi thế([19]). Tăng trưởng doanh thu du lịch bình quân đạt 32,34%/năm; khách du lịch tăng 26,59% và khách lưu trú tăng 26,79%.

3.3. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

Trong năm 2016, tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành cổ phần hóa 02 doanh nghiệp nhà nước (DNNN), chuyển thành công ty cổ phần gồm (1) Công ty cổ phần Công trình đô thị Trà Vinh và (2) Công ty cổ phần Cấp thoát nước Trà Vinh; theo đó, hoàn thành kế hoạch sắp xếp lại DNNN trên địa bàn tỉnh. Qua rà soát, đối chiếu thực trạng sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh với các quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 (sau khi tỉnh đã hoàn thành cổ phần hóa DNNN) của Thủ tướng Chính phủ về “tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020” và các văn bản chỉ đạo([20]) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, việc sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện vốn nhà nước cơ bản đúng định hướng theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương; giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh Trà Vinh không có doanh nghiệp nhà nước thuộc diện phải thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại 02 công ty cổ phần Cấp thoát nước và Công trình đô thị chưa đạt theo quy định về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành sau thời điểm 02 công ty đã hoàn thành cổ phần hóa); danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020 ban hành kèm theo các văn bản chỉ đạo([21]) của Thủ tướng Chính phủ chưa quy định 02 công ty cổ phần trên tiếp tục thực hiện thoái vốn.

Thực hiện điểm a, khoản 1, mục III, Điều 1, Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020”, tỉnh Trà Vinh đã báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 02 công ty cổ phần vào danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện thoái vốn đến năm 2020([22]). Đến nay, tỉnh vẫn chưa nhận được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thoái vốn nhà nước tại 02 công ty cổ phần nêu trên nên chưa xây dựng kế hoạch tiếp tục thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Công trình đô thị Trà Vinh và Công ty cổ phần Cấp thoát nước Trà Vinh theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg.

Đối với Công ty cổ phần Cấp thoát nước Trà Vinh, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ là 82,34% vốn điều lệ, cao hơn 18,34% so với tỷ lệ theo Phương án cổ phần hóa được duyệt([23]). Tỉnh đã chỉ đạo Công ty tiếp tục thoái vốn nhà nước để đảm bảo vốn nhà nước tại doanh nghiệp đúng tỷ lệ theo Phương án cổ phần hóa là 64% vốn điều lệ. Tiến độ thực hiện đến nay đã thành lập Ban Chỉ đạo thoái vốn nhà nước([24]); Công ty đang thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.

Đối với Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Trà Vinh và Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi Trà Vinh, nhà nước tiếp tục duy trì nắm giữ 100% vốn điều lệ, không thực hiện cổ phần hóa.

Công tác kiểm tra, giám sát đối với các dự án đầu tư dỡ dang, chuyển tiếp  tại các công ty cổ phần được thực hiện thường xuyên theo quy định về giám sát đầu tư công, đảm bảo chặt chẽ, đúng thiết kế kỹ thuật, vận hành hiệu quả, không xảy ra thất thoát vốn nhà nước([25]). Tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước, sau khi quyết toán và hoàn thành nộp số tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định, Công ty tiếp tục được giao một khoản tài sản có giá trị 5.984,76 triệu đồng từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Hà Lan; theo yêu cầu của Bộ Tài chính([26]), tỉnh đã chỉ đạo Công ty nộp tổng số tiền 5.984,76 triệu đồng về Quỹ theo lộ trình trung bình mỗi năm nộp 01 tỷ đồng (đã nộp 984,76 triệu đồng tháng 4/2019 và 1.000 triệu đồng vào tháng 12/2019).

Trong 05 năm qua, các ngành, các cấp trong tỉnh thực hiện tốt công tác khuyến khích, tạo điều kiện, hướng dẫn DNNN đầu tư, mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao năng lực của doanh nghiệp, ứng dụng khoa học và công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm. Các DNNN thực hiện nhiều dự án mua sắm, thay thế trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng cũ, lạc hậu bằng thiết bị, phương tiện mới có hàm lượng khoa học công nghệ cao hơn, hiện đại hơn, bắt kịp xu thế phát triển, thân thiện môi trường, bảo tồn tài nguyên, nâng cao hiệu suất, hiệu quả hoạt động([27]); Công ty cổ phần Công trình đô thị đầu tư thành lập Công ty TNHH MTV cây xanh và môi trường Thành Phát (công ty con) trong tháng 8/2018.

Nhìn chung, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DNNN trong 05 năm qua có sự tăng trưởng về doanh thu, thị trường, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước; tình hình tài chính an toàn, khả năng sinh lời khá cao, khả năng thanh khoản tốt, bảo toàn được vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Các công ty sau cổ phần hóa hoạt động hiệu quả hơn, tăng tính minh bạch; huy động năng lực quản lý, điều hành của khối tư nhân, nhất là các cổ đông chiến lược, sự tham gia giám sát của cổ đông và người lao động.

3.4. Tái cơ cấu việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, đặc biệt là sự nghiệp giáo dục, y tế và khoa học công nghệ

UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 639/QĐ-UBND ngày 05/4/2018 Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chỉnh phủ và Kế hoạch số 72-KH/TU ngày 08/01/2018 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và Tỉnh ủy ban hành Đề án số 05-ĐA/TU ngày 21/6/2018 về sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Theo đó, quy định cụ thể lộ trình sắp xếp, sáp nhập chuyển từ đơn vị tự bảo đảm một phần chi thường xuyên sang đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên đến năm 2018 là 9 đơn vị (Bệnh viện y dược cổ truyền, Bệnh viện Sản-Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tiểu Cần, bệnh viện Đa khoa khu vực Cầu Ngang, Trung tâm giống, Ban quản lý cảng cá, Trung tâm dịch vụ việc làm, Trung tâm phát triển quỹ đất) và từ năm 2019 đến năm 2020 là 03 đơn vị (Trung tâm lưu trữ lịch sử, Đài Phát thanh và truyền hình, Trung tâm Thông tin và ứng dụng khoa học và công nghệ); chuyển đổi theo hướng xã hội hóa 01 đơn vị là Phòng công chứng số 1 trực thuộc Sở Tư pháp.

Thực hiện sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu lại hoặc giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động không hiệu quả hoặc quy mô nhỏ, manh mún. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập, dự kiến đến năm 2021, thực hiện giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh (riêng năm 2018, giảm tối thiểu 5% trong tổng số 10% phải giảm đến năm 2021). Giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp trong toàn tỉnh hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với năm 2015; phấn đấu có 10% đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.

Đồng thời, UBND tỉnh xây dựng Đề án chuyển đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên thành công ty cổ phần báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được đồng ý tại Công văn số 563/TTg-ĐMDN ngày 02/5/2018 về việc phê duyệt danh mục đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh Trà Vinh chuyển thành công ty cổ phần, gồm 03 đơn vị: Ban quản lý Bến xe khách Trà Vinh; Trung tâm nước sạch và VSMT nông thôn; Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải.

3.5. Cơ cấu lại thu ngân sách

- Quy trình quản lý thuế được chuẩn hóa phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo thống nhất, có tính liên kết cao với Cổng dịch vụ công trực tuyến về thuế của Chính phủ http://thuedientu.gdt.gov.vn (eTax); Tự động hóa trong việc cung cấp thông tin tra cứu hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế thường xuyên 24/24 giờ. Cập nhật thông tin mới về thuế trên trang thông tin điện tử của Cục Thuế trong vòng 03 ngày làm việc tạo thuận lợi cho người nộp thuế được tiếp cận đầy đủ và kịp thời các thông tin thay đổi về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế. Đến cuối năm 2019, có 99,9% doanh nghiệp thực hiện khai thuế qua mạng, 99,9% Doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử thành công tại cơ quan Thuế và tại Ngân hàng thương mại 98,9%.

- Thực hiện hoàn thuế điện tử và công khai thông tin về kết quả giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Kết quả từ năm 2016- 2019 đã giải quyết hoàn thuế 171 hồ sơ với số tiền hoàn 575.380 triệu đồng, trong đó có 81 hồ sơ hoàn thuế điện tử với số tiền 462.202 triệu đồng và qua quá trình thực hiện hoàn thuế chưa có khiếu nại về kết quả hoàn thuế.

- Xử lý nghiêm tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế: Phân tích hồ sơ khai thuế từ năm 2016-2019 đã phân tích hồ sơ khai thuế 15.574 lượt hồ sơ khai thuế các loại, trong đó chấp nhận 15.172 lượt hồ sơ, chờ giải trình 04 lượt hồ sơ, điều chỉnh tăng 224 hồ sơ với số tiền 18.081 triệu đồng, đề nghị kiểm tra 174 hồ sơ, giảm lỗ 1.794 triệu đồng, giảm khấu trừ 8.382 triệu đồng. Thanh tra từ năm 2016-2019 hoàn thành 121 cuộc với 121 đơn vị, qua thanh tra có 120 đơn vị có số thuế truy thu và phạt 17.062 triệu đồng (trong đó truy thu là 12.303 triệu đồng, truy hoàn 03 triệu đồng, phạt VPHC là 4.756 triệu đồng), giảm lỗ 63.633 triệu đồng, giảm khấu trừ 8.253 triệu đồng. Đồng thời, qua các cuộc thanh tra, đã rút ngắn thời gian thanh tra giảm bình quân từ 10-14 ngày/cuộc.

Hạn chế nợ mới phát sinh lớn, phấn đấu nợ có khả năng thu đến thời điểm 31/12 hàng năm không vượt quá 5% so với thực hiện thu NSNN của năm đó, cụ thể như năm 2016 chiếm 1,67% trên tổng thu NSNN, năm 2017 chiếm 0,83% trên tổng thu NSNN, năm 2018 chiếm 3,73% trên tổng thu NSNN, năm 2019 chiếm 3,81% trên tổng thu NSNN; Tỷ lệ thu nợ đạt tối thiểu 80% nợ có khả năng thu thời điểm 31/12 năm trước chuyển sang hàng năm;

- Tổng thu nội địa giai đoạn 2016-2020: 19.446.254 triệu đồng, bao gồm: năm 2016: 2.629.817 triệu đồng (bao gồm nguồn xổ số kiến thiết); Năm 2017: 3.119.711 triệu đồng; Năm 2018: 3.789.890 triệu đồng; Năm 2019: 4.906.776 triệu đồng; Năm 2020: 5.000.000 triệu đồng. Thu nội địa hàng năm đều vượt dự toán và có tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Tăng thu bình quân hàng năm của giai đoạn 2016-2020 là 18,89%/năm.

Cơ cấu thu nội địa giai đoạn 2016-2020 như sau: Thu hoạt động XSKT chiếm 26,05%; Thu DNNN Trung ương quản lý chiếm 24,57%; Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chiếm 9,43%; Thuế TNCN chiếm 7,78%; Thuế bảo vệ môi trường chiếm 6,8%; Thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 6,6%; thu tiền sử dụng đất chiếm 5,22%; các khoản thuế khác còn lại chiếm: 13,55%. Qua đó cho thấy nguồn thu nội địa của tỉnh chưa ổn định và bền vững do phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu XSKT và nguồn thu DNNN Trung ương quản lý.

3.6. Cơ cấu lại chi ngân sách

- Về tốc độ tăng chi ngân sách nhà nước như sau:

+ Thực hiện 2016/2015: 8.729.672 trđ/ 8.382.648 trđ = 4,14%;

+ Thực hiện 2017/2016:  9.667.955trđ/8.729.672 trđ = 10,75%

+ Thực hiện năm 2018/2017: 10.986.975trđ /9.667.955trđ = 13,64%.

+ Thực hiện năm 2019/2018: 11.635.858trđ/10.986.975trđ = 5,91%

Tốc độ tăng chi ngân sách bình quân giai đoạn 2016-2020 là 7,57%/năm.

- Về tỷ trọng chi NSNN/GRDP (%) là 19,54%.

- Hàng năm UBND tỉnh tham mưu trình HĐND phân bổ ngân sách theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2019 như sau:

+ Năm 2016: tỷ trọng chi đầu tư: 26,22%, tăng 2,73% so với năm 2015; Chi thường xuyên: 73,78%, giảm 2,73% so với năm 2015;

+ Năm 2017: tỷ trọng chi đầu tư: 31,07%, tăng 4,85% so với năm 2016; Chi thường xuyên: 68,93%, giảm 4,85% so với năm 2016;

+ Năm 2018: tỷ trọng chi đầu tư: 30,39%, giảm 0,68% so với năm 2017; chi thường xuyên: 69,61%, tăng 0,68% so với năm 2017;

+ Năm 2019: tỷ trọng chi đầu tư: 33%, tăng 2,61% so với năm 2018; chi thường xuyên: 67%, giảm 2,61% so với năm 2018;

- Trong giai đoạn 2016-2019, tỷ trọng chi lương và các khoản chi theo lương chiếm 44,4% trong chi thường xuyên, trong đó tỷ trọng chi lương và các khoản chi theo lương trên tổng chi của từng lĩnh vực như sau:

- Chi hoạt động kinh tế: 10,8%

- Chi sự nghiệp giáo dục-đào tạo và dạy nghề       : 81,4%

- Chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình: 36,8%

- Chi sự nghiệpvăn hóa thông tin & TDTT: 32,3%

- Chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình       : 70,9%

- Chi sự nghiệp khoa học công nghệ: 14%

- Chi đảm bảo xã hội: 6,2%

- Chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể: 19,9%

- Chi sự nghiệp môi trường: 13%

Tình hình nợ công được quản lý chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn. Hàng năm, khi lập dự toán kế hoạch vay và trả nợ, nợ công của tỉnh đều không vượt quá 20% tổng thu nội địa ngân sách địa phương được hưởng. Tính đến 31/12/2019, tổng dư nợ là 116.244 tỷ đồng, chiếm 13,09% mức dư nợ vay tối đa của ngân sách địa phương.

4. Đổi mới cách thực hiện liên kêt, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng

Thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long và Quyết định số 2220/QĐ-TTg ngày 17/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua tỉnh Trà Vinh đã tham gia xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên Hải phía Đông”, gồm 04 tỉnh: Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre. Đến nay, Biên bản ghi nhớ Xây dựng và triển khai Đề án liên kết tiểu vùng Duyên Hải phía Đông đã được Bí thư Tỉnh ủy của 04 tỉnh đã được ký kết vào ngày 22/02/2018; kết thúc vai trò Trưởng Ban Điều hành năm 2019, tỉnh Trà Vinh đã hoàn chỉnh nội dung phát thảo Đề tài nghiên cứu: “Xây dựng chuỗi giá trị du lịch cho tiểu vùng phía Đông ĐBSCL” và bàn giao lại tỉnh Vĩnh Long (Trưởng ban điều hành năm 2020).

5. Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước

a) Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy của tỉnh:

- Về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các sở, ban, ngành tỉnh.

Trên cơ sở Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Quyết định số 638/QĐ-UBND ngày 05/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh đã tiến hành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy gồm Ban Quản lý Khu kinh tế Trà Vinh và 18 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Bên cạnh đó, ngày 27/7/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 2073/UBND-NC chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai, thực hiện Đề án số 05-ĐA/TU ngày 21/6/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Trà Vinh theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Kết quả đến nay, tỉnh Trà Vinh đã hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong, giảm 43 phòng chuyên môn thuộc sở và 03 chi cục (giải thể Chi cục Biển trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, giải thể Chi cục Văn thư - Lưu trữ trực thuộc Sở Nội vụ, chuyển Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương về trực thuộc Bộ Công Thương), chiếm tỷ lệ 30,67% (46/150) so với tổng số phòng chuyên môn, chi cục và tương đương thuộc sở năm 2015.

- Về thí điểm việc hợp nhất một số cơ quan có nhiệm vụ tương đồng ở cấp huyện:

Căn cứ Kế hoạch số 102-KH/TU ngày 17/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Kế hoạch số 103-KH/TU ngày 17/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thí điểm hợp nhất cơ quan Ban Tổ chức cấp ủy với phòng Nội vụ cấp huyện, Kế hoạch số 104-KH/TU ngày 17/9/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thí điểm hợp nhất cơ quan Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra cấp huyện, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã sắp xếp, giảm 27/116 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (giảm Phòng Nội vụ, Thanh tra, Văn phòng HĐND và UBND của 09 huyện, thị xã, thành phố).

- Về sắp xếp, hợp nhất, kiện toàn, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để thu gọn đầu mối:

Trên cơ sở Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn hệ thống đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Kết quả:   Trường Đại học Trà Vinh tiếp tục thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Trà Vinh theo Quyết định số 486/QĐ-TTg ngày 13/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định của Chính phủ đối với cơ sở giáo dục đại học; giảm 26 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sự nghiệp y tế; giảm 48 đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo; hoàn thành sáp nhập Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú Trà Vinh, Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật và Thể thao Trà Vinh vào Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh; hợp nhất 03 đơn vị Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lượng chất lượng thành Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ,…

- Về giao chỉ tiêu số lượng biên chế, đến năm 2020, số lượng biên chế công chức được giao là 1.665 biên chế, giảm 159 biên chế công chức (tương đương tỷ lệ giảm 8,51%) so với biên chế được giao năm 2015, biên chế viên chức là 18.925 biên chế, giảm 1.624 biên chế([28]) (tương đương tỷ lệ giảm 7,90%) so với biên chế được giao năm 2015; dự kiến đến năm 2021, tỉnh Trà Vinh sẽ hoàn thành chỉ tiêu giảm 10% biên chế theo quy định của Trung ương./.



([1]) Năm 2016 tăng 12,32%; năm 2017 tăng 12,03%; năm 2018 tăng 10,06%; năm 2019 tăng 14,85%; năm 2020 ước tăng 11%.

([2]) Nông nghiệp tăng 0,44%; Lâm nghiệp tăng 0,39%; Thủy sản tăng 5,49%; Công nghiệp tăng 38,93%, Xây dựng tăng 18,25%; Dịch vụ tăng 8,59%.

([3])Tương đương 2.982 USD - tỷ giá quy đổi 1 USD = 21.800 đồng, (năm 2015 là 29,8 triệu đồng/người/năm).

([4]) Tỷ trong công nghiệp xây dựng là 34,82% và dịch vụ là 35,57%.

[5] Cơ cấu lao động nông thôn – thành thị năm 2015 là 84,57% - 15,43%; năm 2019 là 82,79% - 17,21%; Cơ cấu theo ngành kinh tế KV1 – KV2 – KV3 năm 2015 tương ứng 50,33% - 18,76% - 30,91%; năm 2019 là 48,32% - 22,26% - 29,42%

([6]) Vay giải quyết việc làm đã giải ngân cho 10.809 dự án, giải quyết việc làm được 10.872 lao động. Đào tạo được 93.179 lao động và giải quyết việc làm cho 141.358 lao động.

([7]) Với gần 3.000.lao động, tăng gấp 10 lần so giai đoạn trước.

([8]) Với hơn 50 chương trình, dự án của 30 tổ chức NGO được thực hiện,  giá trị giải ngân khoảng 3,648 triệu USD.

([9]) Với tổng kinh phí là 274,7 tỷ đồng và nguồn vốn nước ngoài hơn 1.657,8 tỷ đồng.

([10]) Năm 2016:t 432,6 triệu USD, năm 2017: 550 triệu USD, năm 2018: 561 triệu USD, năm 2019: 450 USD.

([11])  Như: Thủy sản, sản phẩm từ cây dừa, gạo, dây dẫn điện ô tô, may mặc, giày dép, túi xách…

([12]) Gồm: Cty Giày da Mỹ Phong (8.318 lao động); Công ty CyVina (5.522 lao động); Công ty TNHH Yazaki Eds Việt Nam (1.538 lao động); Công ty TNHH MTV Việt Trần (1.145 lao động); Công ty China Huadian Engineering (453 lao động); Công ty TNHH Quốc tế Tonsun (558 lao động); Công ty TNHH MTV Bestmate Việt Nam (250 lao động); HTX vận tải Tân Tiến (233 lao động); Công ty TNHH MTV Châu Phú (120 lao động); Công ty TNHH MTV Hưng Long (116 lao động); Công ty TNHH MTV Phượng Tùng Anh (80 lao động); Công ty TNHH MTV sản xuất Minh Tâm (70 lao động); Công ty TNHH Quốc tế Aireal (34 lao động); Công ty TNHH May mặc Cheers (30 lao động); Công ty TNHH Minabeco (30 lao động); Công ty TNHH Janakuasa Việt Nam (13 lao động); Công ty Sumitomo Corporation Nhật Bản (6 lao động).

([13]) Theo dõi, phát hiện 31 tài khoản mạng xã hội (facebook) đăng tin, bài viết, hình ảnh có nội dung xuyên tạc, sai sự thật về tình hình dịch bệnh, đã gọi hỏi, giáo dục răn đe, buộc tháo gở thông tin 25 trường hợp, phạt tiền 6 trường hợp (55 triệu đồng).

[14] Gồm: Chốt cầu Cổ Chiên, cầu Mây Tức, cầu Trà Mẹt và phà Đại Ngãi; kết quả: đã dừng và kiểm tra 1.976 phương tiện với tổng số 24.885 hành khách, trong đó có 01 hành khách sốt 37,80C (đã thực hiện lập tờ khai y tế và yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Càng Long theo dõi).

[15] Cách ly tại cơ sở y tế 07 trường hợp, cách ly tập trung 398 trường hợp; cách ly tại nhà, nơi cư trú 86 trường hợp.

([16]) Gồm: Sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840 ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 6,55 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 960 ha và nuôi trồng thủy sản thâm canh và siêu thâm canh 10.880 ha.  

[17] Gồm: Chuyển sang trồng màu và trồng cỏ nuôi bò 7.149,48 ha; chuyển sang trồng cây lâu năm 3.170,34 ha (cây ăn trái 2.026,55 ha, dừa 1.143,79 ha); nuôi thủy sản 2.108,76 ha (trong đó, chuyên nuôi thủy sản 1.740,55 ha)

([18]) Gồm: 01Trung tâm thương mại, 05 Siêu thị, 24 Cửa hàng tiện lợi; Chuyển đổi 15 chợ sang mô hình DN, HTX quản lý;  thí điểm mô hình chợ ” an toàn thực phẩm”, mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp.

([19]) Như: Khu du lịch biển Ba Động, Thiền viện Trúc Lâm, Khu tưởng niệm nữ Anh hùng Nguyễn Thị Út, Làng văn hóa - du lịch Khmer Trà Vinh, Khu du lịch cộng đồng Cồn Chim.

[20] Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 02/10/2017, Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 26/02/2020  của Chính phủ; Quyết định số 707/QĐ-TTg ngày 25/5/2017, Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017, Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ

[21] Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg, Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017, Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017

[22] Báo cáo số 185/BC-UBND ngày 13/7/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về tình hình sản xuất, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

[23] Quyết định 2373/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh

[24] Quyết định số 1566/QĐ-UBND ngày 15/8/2019 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc thành lập Ban Chỉ đạo thoái vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Cấp Thoát nước Trà Vinh

[25] Tổng cộng có 04 công trình, dự án chuyển tiếp tại Công ty Cấp thoát nước đã hoàn thành, đưa vào hoạt động

[26] Công văn số 2769/BTC-TCDN ngày 13/3/2018 về nộp khoản chênh lệch tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần

[27] Công ty Xổ số kiến thiết Trà Vinh mở rộng thị trường và phát triển thêm đại lý tiêu thụ; Công ty Công trình đô thị đầu tư mua sắm, đổi mới dần các xe chuyên dùng thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng; Công ty Cấp thoát nước áp dụng công nghệ khai thác và xử lý nước mặt thay thế công nghệ khai thác nước ngầm, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước góp phần bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, khoáng sản.

[28] Đến năm 2020, có 2.931 biên chế viên chức thuộc diện tinh giảm; trong đó, đã chính thức giảm 1.624 biên chế, trong năm 2021 dự kiến tiếp tục giảm thêm 431 biên chế, còn lại 858 biên chế sẽ thực hiện giảm những năm tiếp theo.

Tin khác
1 2 3 4 5 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 61
  • Trong tuần: 22 616
  • Tất cả: 2478430