Trà Vinh đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông; Hạ tầng khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin và đô thị giai đoạn 2021-2025

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, các cấp, các ngành của tỉnh đã tập trung huy động nhiều nguồn lực để triển khai đầu tư phát triển hạ tầng tỉnh Trà Vinh, từng bước đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo. Một số công trình trọng điểm của Trung ương, của tỉnh đầu tư hoàn thành, góp phần tạo diện mạo mới của tỉnh. Nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng đa dạng. Kết quả đạt được trên một số lĩnh vực trọng tâm đó là:

Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư, từng bước khắc phục được điểm nghẽn trong luân chuyển hàng hóa, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đưa vào sử dụng mang tính kết nối giữa các vùng, các địa phương trong tỉnh với các tỉnh trong khu vực. Toàn tỉnh có 04 tuyến Quốc lộ như: Quốc lộ 53, 54, 60 và 53B, với tổng chiều dài 283km; Đường tỉnh có 05 tuyến, với tổng chiều dài 228,78km; Đường huyện có 42 tuyến, với tổng chiều dài 486,18km. Hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, có tổng chiều dài là 5.545,42 km đường và trên 1.041 cầu GTNT trên các tuyến, với tổng chiều dài cầu là 23.854,75 m.

Đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng một số tuyến đường trục chính kết nối các khu chức năng trong khu kinh tế Định An, với tổng chiều dài 9,7km; vận hành khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Long Đức (tỷ lệ lấp đầy 100%); thành lập Khu công nghiệp Cổ Chiên, diện tích 199,98 ha, với tổng vốn đầu tư từ nguồn vốn doanh nghiệp là 748,980 tỷ đồng; thành lập và kêu gọi đầu tư vào 04 Cụm công nghiệp (Tân Ngại, Sa Bình, Hiệp Mỹ Tây và Phú Cần), với tổng diện tích khoảng 104,2ha. Xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu kinh tế Định An, kết quả đưa vào vận hành khai thác Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải([1]), với tổng công suất 4.498 MW; Nhà máy điện mặt trời Trung Nam, công suất 140 MW; đang triển khai 08 dự án Nhà máy điện gió([2])  với tổng công suất 666 MW; xây dựng Khu bến cảng tổng hợp Định An tiếp nhận tàu 50.000 DWT.

Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai xây dựng chính quyền điện tử giai đoạn 1, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp; năng lực trung tâm dữ liệu của tỉnh hiện đáp ứng cơ bản yêu cầu triển khai vận hành các ứng dụng, dịch vụ dùng chung; mạng truyền số liệu chuyên dùng các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối đến mạng nội bộ của 150 cơ quan, đơn vị.

Htầng kỹ thuật đô thị từng bước được cải thiện, với đô thị thành phố Trà Vinh đạt tiêu chí đô thị loại II, thị xã Duyên Hải đạt tiêu chí đô thị loại IV, thị trấn Tiểu Cần mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV và 09 đô thị loại V đạt các tiêu chí: Giao thông, cấp điện và chiếu sáng, cung cấp nước, viễn thông, thoát nước[3]; đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa đạt 29,52%.

Tuy nhiên, hạ tầng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin và đô thị còn những mặt hạn chế:

Kết cấu hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa đồng bộ, tính kết nối giữa các vùng, các địa phương chưa cao; một số tuyến quốc lộ Trung ương triển khai đầu tư còn chậm; nguồn lực dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông còn hạn chế, nên một số dự án giao thông trọng điểm phải phân kỳ đầu tư nhiều giai đoạn, chậm tiến độ.

Hạ tầng Khu kinh tế chưa đồng bộ, thu hút đầu tư còn hạn chế; việc xúc tiến kêu gọi đầu tư hạ tầng các Khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn nhất là việc tiếp cận về đất đai.

 Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh còn hoạt động độc lập, đa số chỉ phục vụ cho các yêu cầu nghiệp vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; việc tương tác và kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền, khai thác sử dụng dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp còn hạn chế.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng, tuy nhiên vẫn chưa hoàn chỉnh theo tiêu chí phân loại đô thị, còn thiếu hoặc đạt mức tiệm cận so với các tiêu chuẩn phân loại đô thị theo quy định, các đô thị chưa có nhiều động lực để thu hút kêu gọi đầu tư; tỷ lệ đô thị hóa còn thấp.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân: Tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa theo kịp với định hướng phát triển; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối; cơ chế chính sách còn hạn chế nên chưa huy động được tiềm năng và nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển cấu kết hạ tầng. Đầu tư xây dựng một số công trình chưa mang tính trọng tâm, trọng điểm, thiếu tính liên kết, đồng bộ, chất lượng, hiệu quả đầu tư công còn nhiều mặt hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để huy động tiềm năng và nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc còn thiếu và yếu; công tác quản lý nhà nước còn những mặt hạn chế. Nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nhiều nguồn lực ngoài nhà nước, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ trách nhiệm của người dân, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng còn khó khăn, tỉnh không có quỹ đất công quy mô lớn, giá đất trên địa bàn tỉnh khá cao nên chưa tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhất là đối với Khu Kinh tế, các Khu, cụm công nghiệp. Điều kiện địa lý của tỉnh chưa thú hút được nhà đầu tư lớn; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại tại các cụm công nghiệp còn chậm trễ; công tác hỗ trợ cho doanh nghiệp có lúc, có nơi chưa tốt... 

Với phương châm Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông “phải đi trước một bước” theo hướng hiện đại, đồng bộ; Ưu tiên lựa chọn những dự án trọng điểm tạo sự đột phá và có sức lan toả lớn để tập trung đầu tư. Phát triển hạ tầng Khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm. Hạ tầng công nghệ thông tin là nền tảng quan trọng, phục vụ triển khai xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương ứng với tiêu chí đô thị, nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan đô thị góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến trước năm 2030 là tỉnh phát triển trong nhóm đầu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm tới cần tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những vấn đề cấp bách, bức xúc, hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ đảm bảo cho mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

Nhiệm vụ trong những năm tới cần tập trung, đó là:

Kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành Trung ương triển khai nhanh Dự án Cầu Đại Ngãi; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 53 (đoạn Long Hồ – Ba Si; xây dựng tuyến tránh Quốc lộ 53 qua thành phố Trà Vinh); nâng cấp Quốc lộ 54 (đoạn Vĩnh Long –Trà Vinh); hoàn thiện Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; đầu tư cảng nước sâu và các bến tàu thủy nội địa phù hợp với quy hoạch, bảo đảm hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực.

Tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn thành các tuyến Đường tỉnh, Đường huyện với tổng chiều dài 381,18km đường và 115 cầu/5.179,53md[4]; Đầu tư nâng cấp và mở rộng 474km tuyến đường thiết yếu, quan trọng mang tính liên vùng, liên huyện, kết nối thông suốt thành thị - nông thôn; đưa vào khai thác sử dụng cảng biển Định An, cảng biển Trà Cú, cảng biển Kim Sơn và nghiên cứu kêu gọi đầu tư Bến cảng đầu mối (khu vực biển Trà Vinh); cảng kho xăng dầu Trà Cú; xã hội hóa các bến khách ngang sông theo Đề án được phê duyệt và đầu tư xây dựng các bến xe khách theo quy hoạch. Chú trọng công tác bảo trì, bảo dưỡng các công trình giao thông nhằm kết nối thông suốt giữa mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy, hàng hải, cảng biển. Ưu tiên nguồn ngân sách trung ương đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường số 05 và tuyến đường trục chính dọc kênh đào Trà Vinh; tạo điều kiện để nhà đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng Khu bến cảng tổng hợp Định An tiếp nhận tàu 50.000 DWT.

Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Định An đến năm 2040. Triển khai thực hiện dự án Khu công nghiệp Cổ Chiên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và Khu dịch vụ công nghiệp Ngũ Lạc (305 ha). Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối đến các khu chức năng trong khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp và xúc tiến kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng trong các khu chức năng và khu, cụm công nghiệp. Tăng cường công tác xúc tiến, hợp tác đầu tư nhằm huy động nguồn lực của các doanh nghiệp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế nhằm thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh thu hút phát triển du lịch biển, công nghiệp sửa chữa và đóng tàu, năng lượng, cơ khi chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ. Thu hút đầu tư phát triển dịch vụ vận tải biển, kho ngoại quan, logistics, khu phi thuế quan, khu dịch vụ công nghiệp, hệ thống phân phối hàng hóa.

Quan tâm phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển hạ tầng công nghệ thông tin tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2025; tăng cường và đổi mới công tác thông tin và truyền thông; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, xã hội số, kinh tế số; đặc biệt thúc đẩy thay đổi cách thức hoạt động của các cấp chính quyền từ môi trường truyền thống chuyển sang hoạt động trên môi trường số.

Nâng cao klha34 năng cung cấp tối đa dịch vụ trực tuyến đến người dân, doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tương tác với cơ quan chính quyền; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, cung cấp thông tin, dịch vụ trực tuyến; trong cải cách thủ tục hành chính nhà nước. Ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại, đảm bảo năng lực phục vụ ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu phục vụ Chính quyền điện tử.

Phát triển hạ tầng đô thị, tập trung đầu tư thành phố Trà Vinh trở thành thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp; tập trung đầu tư hoàn thiện về công trình hạ tầng kỹ thuật khung giao thông cấp đô thị; đầu tư hoàn chỉnh các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp đô thị kết nối đồng bộ giữa các khu vực trong đô thị, các khu đô thị, khu dân cư đạt chuẩn quy định; đầu tư phát triển, mở rộng hệ thống tuyến cống thu gom cấp 1 và nâng cấp công nghệ xử lý nước thải của nhà máy xử lý nước thải công suất 18.000 m3/ngày đêm đạt chuẩn quy định; Đầu tư xây dựng đủ tiêu chuẩn của các tiêu chí đô thị loại II, gắn với quy hoạch mở rộng thành phố Trà Vinh; Tiếp tục nghiên cứu đề xuất duy trì, bảo dưỡng cây xanh nhất là các cây cổ thụ, chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, xanh, sạch, đẹp nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng của thành phố Trà Vinh là thành phố tăng trưởng xanh.

Tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật khung đô thị kết nối đô thị đạt chuẩn quy định (như các trục đường giao thông; tuyến truyền tải năng lượng; tuyến cống thu gom nước mưa, thoát nước và xử lý nước thải thị xã Duyên Hải; tuyến thông tin viễn thông; công trình xử lý chất thải,…, nhà tang lễ; cây xanh đô thị và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp đô thị); Đầu tư hạ tầng kỹ thuật chuẩn cấp đô thị cho 02 xã Dân ThànhTrường Long Hòa để đảm bảo tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật trở thành phường; phấn đấu Thị xã Duyên Hải đạt các tiêu chí đô thị loại IV và đạt tiêu chí đô thị loại III. Đầu tư hoàn thành các tiêu chí thiết yếu để huyện Tiểu Cần đạt tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã; thị trấn Cầu Ngang và thị trấn Càng Long đạt chuẩn đô thị loại IV giai đoạn 2021-2025.

 Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm mang tính đột phá, có sức lan tỏa. Vận động các nhà tài trợ tiếp tục cung cấp vốn ODA để phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình trọng điểm lĩnh vực giao thông, thoát nước và xử lý nước thải trong đô thị; bố trí đủ vốn đối ứng và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, hoàn thành các dự án theo Hiệp định. Tập trung xúc tiến đầu tư, cập nhật bổ sung và công bố công khai các dự án kêu gọi đầu tư; tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu kinh tế Định An, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp và đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP).

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền, sự tích cực tham gia của đoàn thể và các tầng lớp nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư cơ sở hạ tầng. Phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trân tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân hưởng ứng tích cực, chấp hành thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước trong quá trình thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhất là công tác bồi thường, thu hồi đất để thực hiện cá dự án đầu tư./.



[1]- Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1: 1.245 MW, Duyên Hải 3: 1.245 MW và Duyên Hải 3 mở rộng: 688 MW, Duyên Hải 2:  1.320MW

[2]- Nhà máy điện gió HQ-TV: 48 MW, Trường Thành: 48 MW, Cơ Điện Lạnh: 48 MW, Ecotech: 78 MW, Duyên Hải:: 48 MW, Đông Hải 1: 100 MW (đề xuất nâng lên 125 MW), Đông Thành 1 và 2: 200 MW, Thăng Long 96 MW.

[3] Giao thông đạt cấp vùng liên huyện – vùng tỉnh; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt trên 10%; tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đạt trên 15%; cấp điện và chiếu sáng đạt 700 kWh/người/năm, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng đạt trên 95%; tỷ lệ đường khu nhà ở, ngõ xóm được chiếu sáng trên 80%); cấp nước sinh hoạt đạt trên 120 lít/người/ngày đêm; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 95%;  hệ thống viễn thông số thuê bao internet đạt trên 20 thuê bao/100 dân; tỷ lệ phủ sóng thông tin di động trên dân số  trên 95%; hệ thống thoát nước mưa và chống ngập úng (như mật độ đường cống thoát nước chính đạt trên 4 km/km2).

[4] Trong đó xây dựng mới 116,74km đường và 75 cầu/3.746,53md; nâng cấp, mở rộng 252,44 km đường.

Tin khác
1 2 3 4 5 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 9
  • Hôm nay: 506
  • Trong tuần: 23 061
  • Tất cả: 2478875