Trà Vinh nỗ lực trở thành tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển

Với những tiềm năng và lợi thế to lớn cùng những nỗ lực và quyết tâm trở thành một trung tâm phát triển kinh tế biển của quốc gia, Trà Vinh đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nằm trong khu vực phía Đông Nam đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích tự nhiên 2.358 km2, Trà Vinh là nơi hội tụ đầy đủ nét văn hoá, con người, lịch sử và truyền thống cách mạng. Với dân số trên một triệu người, Trà Vinh là nơi sinh sống của ba dân tộc anh em: Kinh, Khmer, Hoa – ba bản sắc dân tộc riêng cùng sống chan hòa trên cùng một mảnh đất.

Được “mẹ thiên nhiên” ưu ái về vị trí địa lý, tiếp giáp biển Đông với chiều dài 65 km bờ biển, Trà Vinh bao gồm vùng đất châu thổ lâu đời với nguồn tài nguyên biển dồi dào, được bao bọc bởi hai nhánh sông Tiền và sông Hậu với hai cửa sông Cung Hầu và Định An là hai cửa sông quan trọng của ĐBSCL. Trà Vinh bao gồm chín huyện, thị xã, thành phố, trong đó có năm đơn vị hành chính ven biển.

Cửa ngõ giao thương quan trọng của ĐBSCL

Nhờ lợi thế địa lý, Trà Vinh còn là cửa ngõ thông quan của ĐBSCL với hệ thống cảng sông, cảng biển và đường luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu. Tuyến luồng này đóng vai trò là huyết mạch ổn định lâu dài, nâng cao thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế và trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực ĐBSCL đến các khu vực khác trong nước và trên thế giới bằng đường thủy, tạo động lực mới trong phát triển kinh tế địa phương.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì hệ thống cảng biển Trà Vinh là cảng tổng hợp địa phương loại II, bao gồm: Bến cảng Trà Cú (tiếp nhận tàu 10.000 - 20.000 tấn giảm tải), Bến cảng Định An (tiếp nhận tàu từ 30.000 - 50.000 tấn), Bến cảng Duyên Hải và Bến cảng đầu mối tiếp nhận than cho các nhà máy nhiệt điện (cảng ngoài khơi). Trong đó, bên cảng Định An là bến cảng tổng hợp, container cho tàu trọng tải từ 30.000 đến 50.000 tấn, lâu dài sẽ phát triển thành bến chính của cảng với vai trò xuất nhập khẩu hàng hoá cho toàn vùng.

Hạ tầng giao thông đường bộ tại Trà Vinh cũng phát triển với bốn tuyến Quốc lộ chính là 53, 53B, 54 và 60, kết nối tỉnh thông suốt với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ, Trà Vinh đã xây dựng chiến lược, kế hoạch trong Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 17/10/2020 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là tập trung huy động các nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, tận dụng lợi thế để Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL.

Để hoàn thành mục tiêu này, Trà Vinh đã triển khai các nhiệm vụ bảo đảm phù hợp với chức năng, năng lực và khả năng huy động các nguồn lực kinh tế đầu tư kết cấu hạ tầng; phát triển khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực; kêu gọi đầu tư dịch vụ vận tải biển, kho ngoại quan, logistics, khu phi thuế quan, khu dịch vụ công nghiệp; phát triển hệ thống phân phối hàng hóa... để sớm đưa tỉnh trở thành trung tâm chế biến thủy, hải sản.

Nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đa ngành nghề

Là một trong tám khu kinh tế ven biển của cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ưu tiên đầu tư, với tổng diện tích tự nhiên là 39.020 ha, Trà Vinh có nhiều tiềm năng phát triển với cơ cấu kinh tế đa ngành nghề nhất là sản lượng lớn về nông nghiệp và thủy sản. Trà Vinh cũng hội tụ đầy đủ các hệ sinh thái mặn, ngọt, lợ thuận lợi phát triển nông sản đặc thù như tôm sú, tôm thẻ, cá tra, lúa hữu cơ, cây ăn trái… là các nguyên liệu phục vụ cho công nghệp chế biến.

Về diện tích nuôi trồng thủy sản, tỉnh khuyến khích nông dân chuyển đổi khoảng 700 ha từ các hình thức nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh sang nuôi trồng thâm canh mật độ cao để nâng cao năng suất, duy trì 5.750 ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và 5.600 ha lúa - thủy sản. Các tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất, con giống có chất lượng đưa vào sử dụng phổ biến, tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn hỗ trợ và tư vấn trực tiếp cho các hộ nuôi thủy sản. Tổng sản lượng thủy hải sản của tỉnh ước đạt 224.636 tấn/năm.      

Về đánh bắt thủy hải sản, tỉnh có 1.142 tàu cá, với tổng công suất 149.278 CV. Thời gian qua, tỉnh có nhiều chính sách khuyến khích ngư dân tiếp tục đầu tư nâng cấp tàu có công suất lớn để khai thác đánh bắt xa bờ; củng cố và phát triển các tổ, đội khai thác hải sản, bám biển dài ngày; thực hiện nghiêm các quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản. Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu Thông Thuận Trà Vinh đã chính thức đi vào hoạt động, tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng, xuất khẩu khoảng 4.500 tấn thành phẩm/năm, giá trị xuất khẩu từ 70 -100 triệu USD.

Với lợi thế có 65 km chiều dài bờ biển, nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, Trà Vinh đã cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho tám dự án điện gió với tổng công suất là 570 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 27.336 tỷ đồng; một dự án điện mặt trời với công suất 140 MW, sản lượng điện trung bình 250 triệu kWh/năm (đã khai thác vận hành thương mại trong tháng 6/2020).

Nhằm tạo điều kiện khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương về phát triển năng lượng tái tạo để phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương danh mục các dự án điện gió, điện mặt trời kiến nghị đưa vào Quy hoạch điện VIII  trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận với đề nghị bổ sung Quy hoạch điện VIII: Quy hoạch điện gió công suất 33.787 MW; điện mặt trời công suất 7.587 MW; điện sinh khối công suất 110 MW; điện rác công suất 21,13 MW; điện khí công suất 5.000 MW.

Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng có nhiều lợi thế về du lịch. Ngoài cảnh đẹp thiên nhiên như rừng ngập mặn, cồn, cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, Trà Vinh còn sở hữu những thắng cảnh nổi tiếng như: Biển Ba Động, Ao Bà Om, Thiền viện Trúc Lâm cùng nhiều di tích lịch sử, di sản văn hóa, đền chùa… Cảnh quan sông nước miệt vườn kết hợp với các dự án điện gió đã tạo nên các điểm tham quan lý tưởng cho du khách tham quan, nghỉ dưỡng.

“Mảnh đất vàng” cho các nhà đầu tư

Là cửa ngõ giao thương của tỉnh và ĐBSCL, luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, một cảng biển cho tàu có tải trọng từ 30.000 tấn – 50.000 tấn cập bến (dự kiến trong tháng 9/2021 đưa vào hoạt động một bến cảng), Khu kinh tế Định An đã được quy hoạch khu ngoại quan, khu phi thuế quan, logistics, kho đông lạnh phục vụ cho khu kinh tế và xuất nhập khẩu cho khu vực trong tương lai.

Trà Vinh có đủ điều kiện, thế mạnh để đầu tư, khai thác cảng nước sâu gắn với phát triển đồng bộ hệ thống logistic. Tỉnh cũng là trung tâm giao thương hàng hải của vùng ĐBSCL, thuận lợi cho việc vận chuyển, giao thương hàng hóa đi ra các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Với khí hậu ôn hoà, điều kiện tài nguyên môi trường, tiềm năng phát triển kinh tế, Trà Vinh đang trở thành “mảnh đất vàng” cho các nhà đầu tư. Phấn đấu trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển, Trà Vinh đang tập trung kêu gọi đầu tư các dự án tại Khu kinh tế Định An; các dự án về lĩnh vực thủy hải sản, đặc biệt là các dự án nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu; khu nuôi tôm công nghệ cao; các dự án về phát triển du lịch…

Về nguồn nhân lực, Trà Vinh có lực lượng lao động dồi dào, với khoảng 620.000 người trong độ tuổi lao động. Ngoài bậc phổ thông, tỉnh còn có một Đại học, hai Cao đẳng, một Trường trung cấp và 20 cơ sở sở đào tạo, dạy nghề, góp phần cung ứng lao động trình độ cao cho tỉnh và khu vực. Đại học Trà Vinh đào tạo đa ngành, với số lượng sinh viên hàng năm hơn 25.000 người, tốt nghiệp từ 8.000 – 10.000 sinh viên/năm, đủ cung cấp số lượng lao động trên địa bàn tỉnh.

Để thu hút đầu tư, Trà Vinh ban hành nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, rút ngắn thời gian thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Tỉnh đang nỗ lực mời gọi đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư phát triển ổn định lâu dài, với mục tiêu đến năm 2025 sẽ trở thành tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng ĐBSCL.

Trà Vinh mong muốn lắng nghe, chia sẻ với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, cùng nhau chia sẻ thách thức. Thành công của nhà đầu tư sẽ là thành công của Trà Vinh./.

 

Bài: Phước Toàn

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 46
  • Hôm nay: 354
  • Trong tuần: 22 909
  • Tất cả: 2478723