Trà Vinh phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn

         Trà Vinh là tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nằm cuối hạ lưu sông Mêkông giữa sông Tiền và sông Hậu, có diện tích tự nhiên 2.390 km2 chiếm 5,6% diện tích khu vực, trong đó đất nông nghiệp chiếm 78% diện tích đất tự nhiên; dân số của tỉnh trên 1 triệu người, gần 82% dân số sống khu vực nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 33% dân số, chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Với đặc trưng của tỉnh đồng bằng ven biển, trước khi đầu hệ thống thủy lợi Nam Măng Thít hơn 69% diện tích có nguồn gốc mặn, phèn, lại ảnh hưởng của triều biển Đông, hằng năm bị nhiễm mặn với thời gian kéo dài từ 3-6 tháng và có xu hướng ngày càng lấn sâu vào nội đồng gây khó khăn cho sản xuất. Vùng sản xuất nông nghiệp tình trạng khô hạn, thiếu nước tưới vào mùa khô, mặn xâm nhập vào cuối vụ Thu Đông năm trước và đầu vụ Đông Xuân năm sau, phần lớn đất sản xuất nông nghiệp trong tỉnh phải nhờ vào nước trời. Riêng đối vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp. Xuất phát từ điều kiện tự nhiên còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất yếu kém, trình độ dân trí không đồng đều, đại bộ phận nông dân nghèo, thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế trong khu vực nông thôn chậm phát triển, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, Trà Vinh là tỉnh nghèo của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đây cũng là một trong 10 tỉnh nghèo của cả nước.

         Để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh ven biển nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải được đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thủy lợi. Trong những năm qua, được sự quan tâm của trung ương và của tỉnh, rất nhiều công trình thủy lợi được xây dựng ở Trà Vinh phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là Dự án thủy lợi Nam Mang Thít đã khép kín và đi vào hoạt động đã thúc đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao theo cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn.

Cống Tân Dinh – tại An Phú Tân, huyện Cầu Kè

 

         Về hệ thống thủy lợi toàn tỉnh hiện có 172 cống (50 cống đầu mối khẩu độ 2m đến 100m cửa, 122 cống cấp 2 nội đồng khẩu độ 1,5m đến 10m); kênh tạo nguồn và cấp 1 là 141 kênh dài 809,5 km, kênh cấp 2 là 1.059 kênh dài 1.962 km, kênh cấp 3 là 1.670 kênh dài 1.635 km và 996 bọng đường kính các loại; đê biển, đê sông và bờ bao nội đồng 411,52 km; kè bảo vệ bờ sông, bờ biển dài gần 13,5 km và 454 cầu giao thông nội đồng. Riêng đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đã cơ bản hoàn thành 11 công trình đầ tư kết cấu hạ tầng phục vụ nuôi thủy sản tập trung với diện tích gần 14.000 ha.

         Với hệ thống thủy lợi nêu trên trong điều kiện bình thường đã đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và khoảng 50% diện tích các khu vực nuôi thủy sản được đầu tư kết cấu hạ tầng chuyển sang nuôi tôm bán công nghiệp và công nghiệp, đặc biệt là nuôi tôm thâm canh mật độ cao được khoảng 600 ha đã mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, nâng cao thu nhập và cải thiện được đời sống của người dân. Ngoài ra, các công trình thủy lợi cũng có tác động rất lớn tạo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn, cụ thể:

         - Về kinh tế: Kinh tế nông nghiệp phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp bình quân hàng năm khoảng 3%, cơ cấu nội ngành chuyển dịch đúng hướng giảm nông nghiệp tăng thủy sản; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo hướng đa dạng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của từng tiểu vùng kết hợp với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông sản. Đến cuối năm 2020, tổng diện tích trồng cây hàng năm đạt hơn 255 ngàn ha, sản lượng đạt gần 2,3 triệu tấn (tăng hơn so với năm 1996 từ 1,3-1,6 lần), trong đó lúa đạt trên 01 triệu tấn, cây ăn trái và cây dừa tăng đáng kể về diện tích và sản lượng đạt gần 42,3 ngàn ha và 578 ngàn tấn (tăng hơn năm 1996 lần lượt là 15,3 ngàn ha và 350 ngàn tấn), tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng từ 18.600 tấn năm 1996 lên 153.213 tấn năm 2020; giá trị sản xuất trên diện tích đất trồng trọt và mặt nước nuôi trồng thủy sản đến cuối năm 2020 lần lượt là 130 triệu đồng/ha và 260 triệu đồng/ha, tăng khoảng 10 lần so với năm 1996.

        - Về xã hội: Nông nghiệp phát triển tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn toàn tỉnh hiện có khoảng 250 ngàn lao động tham gia sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn đến năm 2020 là 32 triệu đồng/người, tăng hơn 10 lần so với năm 1996 góp phần xóa đói, giảm nghèo; hệ thống kênh và bờ kênh, đê tạo thành mạng lưới giao thông thủy bộ nông thôn rất thuận lợi trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nông sản cho nhân dân trong khu vực; hệ thống thuỷ lợi Nam Măng Thít ngoài kiểm soát mặn, tưới tiêu chủ động còn kết hợp cấp nước sinh hoạt cho nhân dân.

       - Về môi trường: Đáp ứng được cho khoảng 90% diện tích đất nông nghiệp được ngăn mặn, kiểm soát mặn và chủ động điều tiết nước ngọt phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp; cải tạo đất và thay đổi môi trường, môi sinh, nhất là vùng đất phèn của 04 huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Châu Thành và Duyên Hải từ 01 vụ lúa nhờ nước trời, năng suất bấp bênh, đến nay đã sản xuất thành 2 đến 3 vụ lúa/năm. Bên cạnh đó, việc đầu tư các tuyến kè sông, kè biển hạn chế sạt lở bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh.

         Bên cạnh những kết quả đạt được hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: Chưa phân vùng chi tiết để đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu; cán bộ quản lý chuyên ngành về lĩnh vực thủy lợi còn thiếu; một số công trình nội đồng chưa hoàn chỉnh để có thể chủ động hoàn toàn, nhất là khi yêu cầu sản  xuất mặn - ngọt đan xen nhau; một số công trình chưa được xây dựng đồng bộ. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết, thủy văn ngày càng diễn biến bất lợi, nguồn tiếp ngọt bị hạn chế nên một số khu vực thuộc vùng ruột của tỉnh (các huyện Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần) còn thiếu  nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô, cần phải được đầu tư hệ thống trạm bơm điện để cung cấp nước cho các khu  vực không có khả năng tưới tự chảy lại.

Kênh Mây Phốp – Ngã Hậu

         Trong thời gian tới, để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Trà Vinh theo Kế hoạch được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3511/QĐ-UBND ngày 21/10/2020 thì cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: (1) Xây dựng và kết nối với cơ sở dữ liệu để đáp ứng điều kiện ứng dụng công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa công tác quản lý, khai thác hệ thống thủy lợi và phục vụ phòng chống thiên tai; (2) Hoàn thiện tổ chức và nâng cao năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi; (3) Hoàn thiện đồng bộ hệ thống thủy lợi chống chịu được tác động của thiên tai, kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý cho các đối tượng sử dụng nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; (4) Hiện đại hóa công tác quan trắc, dự báo nguồn nước, quản lý, vận hành hiệu quả công trình thủy lợi phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh; (5) Xác định ranh giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định pháp luật; bảo vệ chất lượng nước trong công trình thủy lợi; (6) Ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, phù hợp để hiện đại hóa hệ thống thủy lợi của tỉnh; (7) Đẩy mạnh công tác truyền thông, kịp thời truyền tải thông tin khí tượng, thủy văn, nguồn nước, bảo vệ công trình thủy lợi, ảnh hưởng của thiên tai đến cấp huyện, xã, người dân và đơn vị liên quan.

         Với các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên huy vọng thời gian tới Trà Vinh sẽ hiện đại hóa được hệ thống thủy lợi nhằm phục vụ chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới; chủ động kiểm soát nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 

Đoàn Văn Minh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
Tin mới