Một số kết quả nổi bật sau 05 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương “về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”, 05 năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết, tập trung cụ thể hóa thành Chương trình, Nghị quyết, Kế hoạch, Đề án… phù hợp với tình hình thực tiễn, qua đó nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh.

Qua 05 năm triển khai thực hiện, đã đạt được một số kết quả nổi bậc: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 05 năm 2016 -2020 đạt 9,41%/năm; quy mô nền kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đến năm 2020 đạt 63.197 tỷ đồng, gấp 1,6 lần năm 2016, đóng góp 01% trong GDP cả nước và 6,51% GDP khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cấu trúc kinh tế dịch chuyển phù hợp với xu thế chung là tăng nhanh giá trị công nghiệp, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm từ 62,26% năm 2016 tăng lên 69,28% GRDP năm 2020; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 62,58 triệu đồng/người/năm (tăng 22,33 triệu đồng so với năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh từ 11,16% năm 2016 xuống còn 1,8% năm 2020; các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe được cải thiện, đạt 22,85 giường bệnh/vạn dân, 8,9 bác sĩ/vạn dân; sự nghiệp giáo dục, đào tạo được đầu tư đáng kể, chất lượng nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, năng suất lao động năm 2020 đạt 114,9 triệu đồng/người/năm, gấp 1,6 lần so với năm 2016; tạo việc làm mới đạt kết quả cao, tỷ lệ thất nghiệp duy trì dưới 2,88%...

Trong nông nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và cơ giới hóa, đã chuyển đổi trên 15.368 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, lâu năm hoặc kết hợp với nuôi thủy sản; nâng tổng số đến nay đã chuyển đổi 24.017 ha đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm và cây ăn trái (hiệu quả tăng từ 1,22-3,5 lần) và nuôi thủy sản (hiệu quả tăng từ 2,8-7,5 lần). Phát triển được một số vùng sản xuất tập trung, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Chăn nuôi có sự chuyển đổi rõ nét theo hướng tập trung, trang trại, chăn nuôi sạch. Thế mạnh phát triển thủy sản tiếp tục được phát huy, phát triển cả 03 vùng mặn, ngọt, lợ, chủ động chuyển đổi và đa dạng hóa con nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với điều kiện của địa phương, đặc biệt là nuôi tôm nước lợ thâm canh mật độ cao cho năng suất bình quân từ 50 - 70 tấn/ha; duy trì 5.750 ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng, 5.600 ha lúa - thủy sản.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ, thực chất, đạt được nhiều kết quả quan trọng: sản xuất phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn được nâng lên; cảnh quan, môi trường có nhiều khởi sắc theo hướng sáng - xanh - sạch -đẹp, an ninh, trật tự nông thôn được bảo đảm; hệ thống chính trị được củng cố theo hướng trong sạch, vững mạnh. Đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 05 đơn vị cấp huyện (gồm 03 huyện: Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long; thị xã Duyên Hải; thành phố Trà Vinh), 69/85 xã, 91,7% hộ và 92,9% ấp đạt chuẩn nông thôn mới.

Trong công nghiệp, quan tâm đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: quy hoạch phát triển 14 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 539,12 ha, trong đó: đã thành lập 04 cụm công nghiệp, với diện tích 104,2ha đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Cổ Chiên, quy mô gần 200 ha; hiện nay tỉnh đang lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Khu Công nghiệp Cầu Quan (quy mô 130 ha) và đang xin Thủ tướng Chính phủ cơ chế sử dụng ngân sách tỉnh đầu tư Khu Công nghiệp dịch vụ Ngũ Lạc trong Khu Kinh tế Định An. Trong giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã thu hút nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ hiện đại, tập trung tại Khu Công nghiệp Long Đức và Khu Kinh tế Định An, xuất hiện một số sản phẩm mới phục vụ thị trường xuất khẩu như túi xách, bộ truyền dẫn điện dùng trong ô tô, giày thành phẩm, may mặc… Đặc biệt là khi đưa vào vận hành Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tổng công suất 4.498 MW), công nghiệp của tỉnh có hướng phát triển mới, ngành sản xuất điện đóng góp ngày càng lớn và chi phối, giá trị sản xuất chi phối từ 29,85% vào năm 2016, tăng lên 59,2% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp chung của tỉnh. Chất lượng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo được nâng lên, toàn tỉnh có 165 lượt sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 18 lượt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực và 02 lượt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Quan tâm đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo gắn với chuyển đổi mô hình quản lý chợ, kêu gọi đầu tư và đưa vào sử dụng các dự án chợ, hạ tầng thương mại; hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại được đầu tư mới, nâng cấp, cải  tạo đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân, từng bước hình thành nét văn minh thương mại. Toàn tỉnh có 02 trung tâm thương mại, 07 siêu thị, 24 cửa hàng tiện lợi, 116 chợ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2016 – 2020 tăng bình quân 12,7%/năm; duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GRDP (tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân 11,6%/năm so với GRDP tăng 9,41%/năm).

Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, đến tháng 6/2021, toàn tỉnh có 381 dự án đang đầu tư, kinh doanh, trong đó có 41 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD và 340 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 121.886 tỷ đồng, giải  quyết việc làm 11.000 lao động tại địa phương và các vùng lân cận. Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục phát triển đa dạng lĩnh vực hoạt động, đến tháng 6/2021 toàn tỉnh có 3.201 doanh nghiệp, trong đó có 44 doanh nghiệp FDI. Kinh tế ngoài nhà nước ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của địa phương, đóng góp trên 63,5% GRDP toàn tỉnh. 

Kết cấu hạ tầng trên địa bàn từng bước được đầu tư xây dựng theo hướng đồng bộ, nguồn lực đầu tư có sự lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, năm 2020 đạt 26.916 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2016, tính chung cả giai đoạn 2016 – đến tháng 6/2021 tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 133.354 tỷ đồng. Hoàn thành đưa vào sử dụng một số dự án lớn như Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, Cổ Chiên, hoàn thành nâng cấp sửa chữa Quốc lộ 60 (đoạn vào cầu Cổ Chiên đến ngã ba Bình Phú); triển khai xây dựng Bến cảng tổng hợp Định An, Cảng biển Trà Cú, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 53 (đoạn Trà Vinh - Long Toàn); đầu tư 101,1 km đường tỉnh, đường huyện, đường đến trung tâm xã và 814,95 km đường nông thôn; đưa vào vận hành Trung tâm Điện lực Duyên Hải; các công trình, dự án điều tiết nước sản xuất, hạ tầng nuôi trồng thủy sản; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển chính quyền điện tử; đầu tư xây dựng mới Bệnh viện đa khoa tỉnh 700 giường, Bệnh viện đa khoa huyện Duyên Hải 50 giường; Bệnh viện Y dược cổ truyền 50 giường

B mặt đô thị có nhiều khởi sắc, các tuyến đường trong nội ô thành phố Trà Vinh, thị xã Duyên Hải, thị trấn Tiểu Cần được nâng cấp, mở rộng đồng bộ và đấu nối với trục giao thông chính. Hệ thống thoát nước từng bước được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu thoát nước tại các đô thị; riêng tại thành phố Trà Vinh cơ bản được đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tại khu vực trung tâm đô thị, mật độ đường cống thoát nước chính đạt 4 km/km2; tỷ lệ dân cư thành thị được cung cấp nước sạch đạt 95,92%. Trên 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị được tổ chức thu gom, xử lý. Cây xanh đô thị được quan tâm trồng mới, hệ thống chiếu sáng đô thị được quan tâm đầu tư, trên 95% các tuyến đường phố chính, trên 80% các tuyến hẻm, khu nhà ở thuộc đô thị được chiếu sáng; các khu công cộng, công viên, khu vui chơi đô thị chiếu sáng đạt tỷ lệ 100%.

Triển khai Đề án phát triển nguồn nhân lực đạt nhiều kết quả, chú trọng công tác giáo dục, hình thành và hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân như: mầm non, phổ thông, giáo dục chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên; toàn tỉnh có 138 trường đạt chuẩn quốc gia (chiếm 35,3% tổng số trường), 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và một số doanh nghiệp tư nhân có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Trong 05 năm đã tuyển sinh, đào tạo nghề bằng nhiều hình thức cho 94.937 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,5%, có văn bằng chứng chỉ đạt 35,7%.

Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học và công nghệ trong các ngành, lĩnh vực, địa phương; triển khai 04 dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025, với tổng kinh phí 29,1 tỷ đồng; thực hiện 17 đề tài, dự án cấp tỉnh, tổng kinh phí trên 21,217 tỷ đồng. Từ năm 2018 các nhiệm vụ khoa học - công nghệ được thực hiện theo đặt hàng đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, các doanh nghiệp đã bước đầu tham gia nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất; tỷ lệ ứng dụng vào thực tiễn đạt 76,2% so với mục tiêu đề ra là 60%.

Chú trọng các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển kinh tế - xã hội với  các tỉnh, thành bạn, nhất là thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg, ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17/11/2017 của Chính phủ, đã ký kết Tầm nhìn chiến lược liên kết phát triển bền vững tiểu vùng duyên hải phía đông đồng bằng sông Cửu Long (gồm 04 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long) và Chương trình hợp tác phát triển với Thành ủy Hà Nội, trọng tâm hợp tác trên các lĩnh vực cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch, khai thác và bảo vệ tài nguyên, xúc tiến đầu tư, phát triển nguồn nhân lực…

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm sắp xếp, cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước, đến nay toàn tỉnh có 17 doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp theo các hình thức. Tổ chức bộ máy hành chính nhà nước được rà soát, sắp xếp theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối cơ cấu tổ chức bên trong; sáp nhập, hợp nhất, giải thể một số đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện. Thí điểm hợp nhất Văn phòng cấp ủy cấp huyện và Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện; cơ quan Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra cấp huyện; cơ quan Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ cấp huyện. Tính đến năm 2020 đã giảm 43 phòng chuyên môn thuộc Sở và 05 chi cục; giảm 27/116 cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện (giảm Phòng Nội vụ, Thanh tra, Văn phòng HĐND và UBND của 09 huyện, thị xã, thành phố); giảm 95 đơn vị sự nghiệp công lập.

Chú trọng đổi mới phương thức quản lý Nhà nước về kinh tế theo hướng  xây dựng Nhà nước quản lý và phục vụ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cơ bản có chuyển biến tốt, việc đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ  hành chính công tỉnh và Trung tâm hành chính công huyện Cầu Ngang, thành phố Trà Vinh, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; hầu hết các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và một số huyện, thị xã, thành phố có thành lập và công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

Có sự hết hợp hài hòa giữa đổi mới mô hình tăng trưởng với bảo đảm quốc phòng, an ninh; thận trọng trong việc thẩm định, đánh giá các dự án đầu tư có khả năng tác động đến quốc phòng, an ninh, khu vực ven biển; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội./.

Bài viết: Từ Chủng Lộc - Phó Trưởng phòng Tổng hợp, Kinh tế, Khoa giáo (Sở KH&ĐT)

 

Tin khác
1 2 3 4 5 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 220
  • Trong tuần: 1 129
  • Tất cả: 2493088