Sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kết quả thực hiện như sau:

1. Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân

1.1. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế”; việc cụ thể hóa các chủ trương thành các Chương trình hành động và đề ra nhiệm vụ, giải pháp vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm, tỉnh Trà Vinh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, cụ thể như:

- Tái cơ cấu đầu tư công: Phát huy hiệu quả, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản; chủ động, linh hoạt trong điều hành và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công; rà soát, điều chỉnh và bổ sung danh mục dự án đầu tư công trung hạn phù hợp với khả năng cân đối ngân sách. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; giám sát chặt chẽ, nghiêm túc ngay từ khâu lập dự toán, thẩm định, đấu thầu trên tinh thần tiết kiệm; từng bước thiết lập kỷ cương trong hoạt động xây dựng cơ bản; quan tâm lồng ghép các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, chú trọng hình thức xã hội hóa, huy động đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

- Tái cơ cấu doanh nghiệp: Tỉnh luôn thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước, đảm bảo việc bảo toàn, phát triển vốn; đóng góp của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước đều tăng, nhất là Công ty TNHH Một thành viên Xổ số kiến thiết Trà Vinh có mức đóng góp cao nhất năm 2020 là 1.471 tỷ đồng, chiếm 29,3% thu nội địa của tỉnh; không có trường hợp phát sinh lỗ, thất thoát tài sản nhà nước. Riêng các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tình hình sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn, tăng tính minh bạch, lợi nhuận hàng năm đều tăng (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19).

- Tái cơ cấu sản xuất: Lĩnh vực nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, giai đoạn 2017 - 2021, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản từ 35,3% giảm còn 31,7%; công nghiệp và xây dựng từ 28,2% tăng lên 32,5%; dịch vụ từ 36,5% giảm xuống 35,8%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GRDP từ 64,7% tăng lên 68,3%.

1.2. Hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường

- Tập trung thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; kịp thời điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới chính sách về hỗ trợ, ưu đãi đầu tư để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào tỉnh nhằm huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư, góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân và các cơ chế chính sách khuyến khích tạo điều kiện hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Chỉ đạo quyết liệt các cấp ủy đảng, chính quyền tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 03/11/2016 của Tỉnh ủy “về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2016 - 2020”, qua 05 năm tổ chức thực hiện đạt được kết quả quan trọng như nhận thức về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp đã có bước nâng lên rõ rệt; thời gian giải quyết thủ tục hành chính được cắt giảm nhiều so với quy định từ ½, ⅓ thời gian, chỉ số PCInhiều cải thiện về thứ hạng.

- Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt là tác động tích cực từ những nỗ lực của Chính phủ, của tỉnh trong ban hành cơ chế chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khởi nghiệp, thông tin quảng bá hình ảnh Trà Vinh,… đã tạo sức hút lớn đối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 385 dự án còn hiệu lực, trong đó có 42 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 3,1 tỷ USD và 343 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký 135.791,42 tỷ đồng; đăng ký thành lập mới 3.364 doanh nghiệp, vốn 52.743 tỷ đồng, 97.636 lao động đạt 67,3% so với mục tiêu đề ra, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương và các vùng lân cận.

- Kinh tế tư nhân đã đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; giai đoạn 2017-2021, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 8,81%/năm, quy mô nền kinh tế năm 2021 đạt 63.818 tỷ đồng, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 61,05% GRDP, tăng bình quân 6,87%/năm; đóng góp cho ngân sách của các doanh nghiệp đều tăng, giai đoạn 2017 - 2021 khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp 21.902 tỷ đồng, chiếm 29,6% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 2.149 triệu USD, với ba nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ yếu là công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệpnông thủy sản.

1.3. Mở rộng khả năng tham gia thị trường và đẩy mạnh cạnh tranh bình đẳng cho kinh tế tư nhân

- Tăng cường mở rộng khả năng tham gia thị trường và đẩy mạnh cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp, đã phát hiện kịp thời và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đến nay, có 96 doanh nghiệp với 509 sản phẩm tham gia giao dịch trên Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh và hỗ trợ 40 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh với trên 45 sản phẩm tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử các tỉnh, thành trong nước.

- Kịp thời ban hành kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và đạt một số kết quả nổi bật như: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Trà Vinh đi vào hoạt động góp phần giảm chi phí và thời gian đi lại của người dân, doanh nghiệp; kiểm soát thủ tục hành chính được tăng cường thực hiện; việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế,…

- Hoạt động tư vấn, hỗ trợ hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, xây dựng, đất đai,…cho doanh nghiệp, nhà đầu tư được đẩy mạnh thực hiện và từng bước đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Các hoạt động khởi nghiệp được tăng cường thực hiện, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực như tổ chức 18 cuộc thi khởi nghiệp với hơn 1.500 ý tưởng, dự án tham dự, tổ chức 60 buổi hội thảo, tọa đàm và tập huấn thu hút gần 9.000 lượt người tham gia để nâng cao năng lực, kiến thức khởi nghiệp cho cả khối công và khối tư; các giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho dự án khởi nghiệp đã được triển khai.

1.4. Về phát triển kết cấu hạ tầng

- Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng tăng và đa dạng, có sự lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, năm 2021 đạt 31.515 tỷ đồng, tăng gần 1,4 lần so với năm 2017, tổng vốn đầu tư từ năm 2017 đến năm 2021 đạt 132.488 tỷ đồng, góp phần đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong tỉnh từng bước hoàn thiện, rút ngắn khoảng cách với các tỉnh, thành trong khu vực, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

- Triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong khu kinh tế, khu công nghiệp theo Đồ án quy hoạch chung được duyệt đáp ứng được nhu cầu quản lý, kêu gọi đầu tư. Thực hiện liên kết phát triển kinh tế - xã hội với thành phố Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh; liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Duyên hải phía Đông đồng bằng sông Cửu Long gồm 04 tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang bước đầu đã được hình thành và xác định các nội dung liên kết có thế mạnh của các tỉnh đã góp phần huy động các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.5. Tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực: vốn, tín dụng, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

- Tỉnh luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; nhiều tổ chức tín dụng đã tích cực giảm lãi suất cho vay, ban hành nhiều chương trình gói tín dụng ưu đãi, đặc thù hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn. Thực hiện cho vay bình ổn thị trường số tiền hơn 732 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp so với mức vay thông thường, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

- Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Trà Vinh đã chấp nhận và ký hợp đồng cho vay vốn đầu tư 36 dự án với số tiền 296 tỷ đồng để đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, cung cấp nước sạch, lưới điện hạ thế, môi trường, trang trại chăn nuôi, chế biến thủy sản xuất khẩu, than hoạt tính, đầu tư phát triển chợ,… Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp vay vốn hoạt động ổn định, thanh toán nợ vay đúng hạn.

- Từ nguồn vốn hỗ trợ của Dự án SME Trà Vinh đã hỗ trợ đầu tư 21 công trình phục vụ làng nghề truyền thống và chuỗi giá trị (dừa và du lịch) với tổng kinh phí hơn 51 tỷ đồng; thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tiếp nhận 54 ý tưởng kinh doanh của 50 doanh nghiệp tham gia, kết quả đã hỗ trợ 08 doanh nghiệp với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng.

- Nhằm kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tỉnh chủ động và kịp thời triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủQuyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm tiền thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất…

2. Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ sản xuất và đào tạo phát triển nguồn lực, nâng cao năng suất lao động

- Thực hiện các chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với phát triển doanh nghiệp theo Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 54-CT/TU, ngày 25/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh từng bước được hình thành và đi vào hoạt động cụ thể thiết thực, nhà làm việc chung của tỉnh đi vào hoạt động tạo nơi làm việc cho các ý tưởng/dự án khởi nghiệp sinh hoạt, làm việc; tổ chức các sự kiện, nói chuyện chuyên đề, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp tỉnh Trà Vinh với các hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia trong nước.

- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao được quan tâm, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường; tuyển sinh, đào tạo nghề bằng nhiều hình thức cho trên 96.162 lao động, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68,70%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đạt 35,84% năm 2021; tổ chức các phiên giao dịch việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi.

- Tăng cường ứng dụng, hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với các sản phẩm như dừa sáp Cầu Kè, tôm, lúa gạo hữu cơ huyện Châu Thành,... tổ chức, hướng dẫn cho 02 doanh nghiệp đăng ký tham gia giải thưởng chất lượng quốc gia.

3. Về nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế tư nhân

- Chú trọng đổi mới phương thức quản lý nhà nước về kinh tế theo định hướng xây dựng nhà nước quản lý và phục vụ, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cơ bản có chuyển biến tốt, việc đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Trung tâm hành chính công huyện Cầu Ngang, thành phố Trà Vinh, đã giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp. 

- Công tác ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ quan hành chính nhà nước được đẩy mạnh; 100% cơ quan nhà nước, đảng, đoàn thể được cấp chứng thư số; 100% cán bộ, công chức, viên chức được thiết lập tài khoản để sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành i-Office. Xây dựng nền tảng kho dữ liệu và kho dữ liệu dùng chung để chia sẻ cho tất cả các hệ thống thông tin có liên quan qua LGSP. Triển khai một số dịch vụ Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh - IOC.

4. Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp với kinh tế tư nhân

- Đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp với các đối tượng là giảng viên, sinh viên và lực lượng đoàn viên thanh niên, phụ nữ như câu lạc bộ khởi nghiệp thanh niên Trường Đại học Trà Vinh với 1.118 thành viên tham gia; câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp thuộc Tỉnh đoàn với 15 thành viên; 11 câu lạc bộ khởi nghiệp phụ nữ với 190 thành viên; có 255 hội viên, 01 câu lạc bộ và 03 chi hội doanh nghiệp tại các huyện Càng Long, Trà Cú và Châu Thành. Đồng thời, duy trì hoạt động của Hội Doanh nhân trẻ có 50 thành viên, đã tạo nên môi trường thuận lợi cho các doanh nhân trẻ được giao lưu, học hỏi, cùng phát triển.

- Hàng năm, Lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh.

- Chỉ đạo tăng cường xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đảng viên trong các doanh nghiệp. Kết quả, có 02 doanh nghiệp tư nhân thành lập tổ chức đảng; 02 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở Ban Quản lý Khu kinh tế là doanh nghiệp tư nhân có tổ chức đảng và 95 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp./.

Tin khác
1 2 3 4 5 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 12
  • Trong tuần: 594
  • Tất cả: 2494106