Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023

Tham dự tại điểm cầu trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Thứ trưởng Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Trần Duy Đông; đại diện lãnh đạo các đơn vị làm công tác kế hoạch và đầu tư của 12 bộ, ngành; các chuyên gia tư vấn của Bộ trưởng, cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Tại điểm cầu các địa phương có Chủ tịch, Phó Chủ tịch các tỉnh, thành phố; lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội và hơn 1 nghìn đại biểu từ các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Thống kê, Ban Quản lý các KCN, KCX.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến những kết quả đạt được trong bối cảnh hiện nay và cho rằng, hiện có nhiều vấn đề thách thức nhưng nhiệm vụ thì lớn, mục tiêu thì cao, vì vậy làm thế nào để đánh giá đúng, đưa ra được các giải pháp để thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất là câu hỏi được đặt ra tại Hội nghị.

Chúng ta đã đi qua nửa năm 2023 và nửa nhiệm kỳ 2021-2025, trong bối cảnh năm 2023 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới chưa bao giờ phức tạp như hiện nay và dự báo tiếp tục biến động nhanh và khó lường. Bên cạnh đó, xung đột giữa các nước, tăng trưởng thấp, lạm phát cao, đầu tư thương mại giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt, bảo hộ gia tăng.

Trước tình hình đó tác động đến kinh tế - xã hội của Việt Nam với nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc vào FDI; ở trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, như thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, xuất nhập khẩu giảm, đơn hàng giảm, thu hút đầu tư khó khăn; hệ thống pháp luật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện mặc dù những năm gần đây được cải thiện rất nhiều, xây dựng và sửa đổi nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là quy định chưa rõ, chồng chéo dẫn đến rào cản cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế; các thủ tục hành chính còn rất phức tạp.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu những kết quả kinh tế - xã  hội 6 tháng đầu năm và cho rằng, kết quả đạt được là tích cực so với các nước và so với bối cảnh tình hình hiện nay, những kết quả đạt được rất đáng trân trọng và đáng khích lệ. Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực của hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng; sự đồng hành, ủng hộ, giám sát chặt chẽ của Quốc hội; sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh phân công, phân cấp gắn với trách nhiệm người đứng đầu; sự phối hợp của bạn bè quốc tế.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bối cảnh thế giới và trong nước cho thấy, công tác của ngành Kế hoạch và Đầu tư nói chung và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng càng khó khăn hơn, vừa phải bám sát thực tiễn, vừa dự báo, phân tích để tham mưu đề xuất với các cấp thẩm quyền về các chính sách đúng, trúng và kịp thời; phản ánh chính sách phải mau lẹ, kịp thời. Trong khi đó, khối lượng công việc rất lớn.

Về công tác xây dựng thể chế, những tháng đầu năm Bộ đã tham mưu và trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, đặc biệt mới đây là Luật Đấu thầu và Luật Hợp tác xã; Nghị quyết về xây dựng cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá vừa đảm bảo chất lượng và tiến độ, nghiên cứu công phu, tạo nên xung lực cho Thành phố phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Bộ cũng đã làm tốt công tác kế hoạch; xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ báo cáo Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị; Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và đánh giá tình hình năm 2023.

Các giải pháp, chiến lược chỉ đạo, điều hành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, bảo đảm các cân đối vĩ mô, các mục tiêu kế hoạch... do Bộ tham mưu đều được các cấp có thẩm quyền đánh giá cao, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ là đầu mối của các tổ công tác, cụ thể là Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; giải quyết những khó khăn của pháp luật về thu hút đầu tư; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; Thường trực Hội đồng điều phối các vùng với yêu cầu hiệu quả và khối lượng công việc lớn.

Đối với các quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ rất quan trọng. Hiện nay, quy hoạch vùng đang được hoàn thiện và đề nghị các bộ, ngành, địa phương tích cực tham gia ý kiến. Về quy hoạch các ngành, hiện nay có 11/38 quy hoạch đã được phê duyệt, 17/38 quy hoạch đang được hoàn thiện để trình phê duyệt và 10/38 quy hoạch đang được xin ý kiến. Đối với quy hoạch tỉnh, hiện đã hoàn thành 43/63 quy hoạch và đang trong quá trình hoàn thiện để phê duyệt; 20/63 quy hoạch đang được lập và hoàn thành.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Để đảm bảo các quy hoạch đều hoàn thành trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ có ý nghĩa và quan trọng; rà soát, đồng bộ quy hoạch vùng, các quy hoạch ngành; là cơ hội để sắp xếp lại không gian phát triển, định hướng các ngành, phân bổ nguồn lực phát triển trong giai đoạn tới.
Về các mô hình kinh tế mới, Bộ đã tham mưu xây dựng Đề án về thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Bên cạnh đó là cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Để có được những kết quả như vậy, trước hết là tinh thần đoàn kết, thống nhất trong toàn Ngành nói chung và Bộ nói riêng; trên dưới một lòng, năng lực tổ chức công việc ở các cấp hết sức “thiện chiến” và “chuyên nghiệp”; nhiều vấn đề mới và phức tạp nhưng đã tạo được sự đồng thuận với các bộ, ngành, địa phương. Bộ được đánh giá là Bộ tiên phong trong đổi mới, cải cách, sáng tạo, cầu thị và lan tỏa ra các các đơn vị trong Ngành. Tuy nhiên, không được thỏa mãn với kết quả đạt được mà phải thấy nhiệm vụ trong thời gian tới là nhiều và rất lớn; phải nỗ lực hơn nữa, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023, các nỗ lực để đạt được trong quý 3, 4 năm 2023 và nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ để đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời cho rằng, Hội nghị là cơ hội để đánh giá những kết quả đạt được, chưa đạt được trong 6 tháng đầu năm 2023; những thách thức, hạn chế hiện nay và đề nghị Hội nghị phải tập trung trả lời ba câu hỏi để thực hiện các mục tiêu trong 6 tháng cuối năm. Một là, khó khăn thách thức chủ yếu của nền kinh tế và doanh nghiệp là gì; Hai là, phản ứng chính sách thích ứng với tình hình thế giới là gì; Ba là, đâu là động lực, đột phá cho tăng trưởng hiện nay và các chính sách nào để thúc đẩy tăng trưởng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được trình bày tại Hội nghị, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ được giao nhiều đề án lớn, quan trọng. Các đề án, báo cáo, kiến nghị tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đổi mới khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển của đất nước; phần lớn các đề án, phương án, kiến nghị của Bộ đã được cấp có thẩm quyền thông qua. Bộ đã theo dõi sát sao và thường xuyên phân tích, dự báo tình hình để kịp thời đề xuất các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn được lãnh đạo các cấp đánh giá là Bộ được giao nhiều đề án khó và quan trọng, trong Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì xử lý nhiều đề án, nhiệm vụ nhất trong khối Bộ, cơ quan ngang Bộ. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, các đồng chí Lãnh đạo Bộ, sự nghiêm túc vào cuộc của các đơn vị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao với chất lượng cao, tiếp tục khẳng định vị thế và vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược tổng hợp của Đảng và Nhà nước. Các giải pháp, chiến lược chỉ đạo, điều hành, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, bảo đảm các cân đối vĩ mô, các mục tiêu kế hoạch... do Bộ tham mưu đều được các cấp có thẩm quyền đánh giá cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ cũng đã quyết liệt giải quyết các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành. Mặc dù là một trong những Bộ nhận được số lượng kiến nghị, đề xuất nhiều nhất, song tỷ lệ giải quyết của Bộ cũng thuộc nhóm có tỷ lệ cao nhất (tính đến ngày 10/7/2023, Bộ đã hoàn tất xử lý 166/177 kiến nghị, đạt 94%). Với kết quả đó, tại văn bản số 622/TTg-TH ngày 05/7/2023, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyết liệt, nỗ lực, cố gắng trong rà soát, giải quyết, hướng dẫn, trả lời các kiến nghị, đề xuất được gửi đến; từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành và cả nước./.

Nguồn https://www.mpi.gov.vn/

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 

 





Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 35
  • Trong tuần: 630
  • Tất cả: 2494082